Quy định 1,5m trong tuyển sinh sư phạm: Chiều cao có giới hạn năng lực, phẩm chất?

Theo thông báo của trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, thí sinh xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên phải cao từ 1,5 m trở lên. Tiêu chí xét tuyển này hiện đang gây tranh cãi gay gắt, khi nhiều ý kiến cho rằng nghiêng về hình thức, thay vì quan tâm đến năng lực, phẩm chất.

Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh vừa công bố chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong năm nay. Cụ thể, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.

Chiều cao có giới hạn năng lực, phẩm chất giáo viên?

Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, bộ GD&ĐT bày tỏ: “Trước hết, việc đưa ra những yêu cầu mang tính chất giới hạn như thế này cần căn cứ nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam, không nên dựa vào suy nghĩ chủ quan. Ví dụ, có nghiên cứu nào chứng minh những người dưới 1,5m trong ngành sư phạm chưa đảm bảo chất lượng, dạy học kém, thái độ người học và kết quả đầu ra kém.

Tiêu chí chiều cao trong xét tuyển vào sư phạm đang gây tranh cãi. (Ảnh minh họa).

Quy định này đối với những trường hợp hạn chế về chiều cao nhưng có khả năng và năng khiếu sư phạm tốt hơn những người cao trên 1,5m thì rất khó trả lời. Một số người không may bị khuyết tật, khó đi lại, vẫn có thể dạy công nghệ thông tin rất tốt.

Chưa kể, dạy học online phát triển, những người có chiều cao chưa đến 1,5m hoàn toàn có thể dạy học hiệu quả qua môi trường mạng sau khi tốt nghiệp. Hoặc những người phục vụ ngành giáo dục nhưng không nhất thiết phả trực tiếp giảng dạy, cũng cần được tạo điều kiện”.

Vì thế, theo ông, nên dựa vào nghiên cứu và tư vấn khuyến cáo cho phù hợp để tránh bị cho là phân biệt đối xử.

TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng nên có nghiên cứu trước khi đưa ra tiêu chí xét tuyển.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Nghề giáo viên ở nhiều nước thì thường có những quy định về ngoại hình, có thể tạo ra ấn tượng đẹp với học sinh, một môi trường không chỉ mẫu mực về phẩm chất, chuyên môn mà còn có đội ngũ đẹp.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, cần lưu ý một điều, sư phạm không phải là một ngành có sức hút lớn nhất, không phải ai cũng chen chân vào sư phạm. Vì thế, những người không có khuyết tật gì quá đặc biệt, chỉ là chiều cao hơi hạn chế, không thể cứng nhắc không nhận, nếu bỏ lỡ những nhà giáo giỏi chuyên môn, tận tình, tâm huyết, có trách nhiệm trong tương lai thì sao”.

Ông phân tích: “Một giáo viên tuy có ngoại hình thấp bé, nhưng có tri thức, có năng lực, trình độ uyên thâm, phát biểu ai cũng phải lắng nghe, thì không còn ai chú ý đến ngoại hình cả.

Người thấp không phải người kém trình độ, xưa nay những người có tài năng đáng chú ý lại thường chính là những người thấp bé, hoặc có khiếm khuyết về ngoại hình. Thấp bé mà có tài, có đức còn hơn những người cao ráo những chẳng nắm được chuyên môn gì.

Về đại trà, có thể ưu tiên những người cao ráo, ngoại hình đẹp những không nên quá khắt khe như vậy, lọt mất những người giỏi về mặt sư phạm, tri thức, nhiệt tình với nền giáo dục. Nhiều người thấp bé vẫn có thể đào tạo thành cán bộ quản lý, nhiệt tình với ngành giáo dục, phụ trách các công tác chuyên môn, am hiểu thông thạo”.

Tiêu chí nói ngọng, nói lắp quan trọng hơn nhiều

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, đối với ngành sư phạm, đội ngũ giáo viên cũng cần phải có sức khỏe, tuy nhiên, quy định về chiều cao cũng phải có những cơ hội mở cho những tài năng, người có năng lực thực sự có thể phát huy, tránh những hiện tượng tiêu cực.

“Đối với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, đây cũng không phải tiêu chí quá quan trọng đối với trường sư phạm, cấp bách nhất là không được nói ngọng, nói lắp. Nếu muốn vào ngành sư phạm thì phải dành một khoảng thời gian chữa ngọng mới được theo học. Phải vào một trung tâm chữa ngọng, và phải chữa được. Đó mới là tiêu chí đáng quan tâm đối với các trường sư phạm”, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.

GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định "Người thấp không phải người kém trình độ".

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Các trường đại học được tự chủ khi đặt ra quy định về tuyển sinh, miễn sao không vi phạm nhân quyền. Giáo viên cũng là nghề rất đặc thù, cần nhân cách, đạo đức, tác phong, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoại hình cũng có những thuận lợi nhất định. Bởi vậy, đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tuyển những sinh viên tổng hợp các tiêu chí trên, là công thức tốt nhất để chọn ra những người thích hợp nghề giáo. Đó là sự lựa chọn cao về mọi tiêu chí, đồng bộ giữa các năng lực chứ không phải chỉ chọn người có đủ chiều cao”.

“Tuy nhiên, cá nhân tôi nếu đang là Hiệu trưởng trường sư phạm thì sẽ không đưa ra tiêu chí này”, GS.TS Đinh Quang Báo khẳng định.

Trước quy định 1,5m mới được vào sư phạm, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học cho biết: “Trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.

Các quy định khác của trường do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu” của trường nhưng phải đảm bảo quyền Bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quy-di-nh-1-5m-trong-tuye-n-sinh-su-pha-m-chie-u-cao-co-gio-i-ha-n-nang-lu-c-pha-m-cha-t-a421975.html