Quy định cấp phó trong cơ sở giáo dục: Trăm dâu đổ đầu… hiệu trưởng

Chỉ được bố trí 2 phó hiệu trưởng, lãnh đạo các trường có quy mô lớn luôn trong tình trạng quá tải về công việc. Mong muốn chung của các trường này là số lượng cấp phó sẽ được giao theo quy mô trường; đồng thời tăng cường bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều cán bộ quản lý tại trường có quy mô lớn đang bị quá tải về công việc. Ảnh minh họa.

Nhiều cán bộ quản lý tại trường có quy mô lớn đang bị quá tải về công việc. Ảnh minh họa.

Quá tải công việc

Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP Hồ Chí Minh có 57 lớp với 2.504 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường là 139 người; trong đó có 120 giáo viên, 3 cán bộ quản lý và 16 nhân viên. Với quy mô như vậy, hiện nay, các cán bộ quản lý của trường đều trong tình trạng “quá tải” về công việc.

Nghiên cứu bảng phân công nhiệm vụ và thực hiện công tác tổ chức bộ máy hoạt động trong nhà trường, hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng đều phụ trách 10 đến 12 đầu việc chính. Bên cạnh phân công nhiệm vụ theo mảng, lĩnh vực gắn với chức năng, nhiệm vụ của trường, mỗi thành viên ban giám hiệu còn trực tiếp phụ trách việc quản lý, chỉ đạo đối với 1 khối lớp học và phụ trách trực tiếp một số tổ chuyên môn hoặc đơn vị trực thuộc.

Chẳng hạn, thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng nhà trường, vừa chịu trách nhiệm quản lý chung toàn diện các hoạt động, chủ tài khoản, con dấu, nhưng đồng thời vừa quản lý, kiểm tra hoạt động giáo dục khối 12 và ký học bạ của học sinh khối 12 (tổng số 832 em). Đồng thời, hiệu trưởng cũng phụ trách việc quản lý, kiểm tra, đánh giá công tác của 4 tổ chuyên môn bao gồm Vật lý, Kỹ thuật công nghệ, Sinh học, Tin học.

Để bảo đảm chất lượng các hoạt động dạy học và giáo dục theo chương trình, nhà trường phải thực hiện và duy trì các chương trình/phần mềm quản lý nhà trường, cơ sở dữ liệu như chương trình VIETSCHOOL, phần mềm quản lý như PMIS, EMIS; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trường học…

Do không có đủ phó hiệu trưởng nên với Trường THPT Nguyễn Công Trứ, hiệu trưởng cũng là người trực tiếp phụ trách các nhiệm vụ này. Chưa kể đến công việc đột xuất, các cuộc họp do cấp trên chỉ đạo mà ban giám hiệu phải tham gia.

Đây là thực trạng chung đối với các trường có quy mô lớn trên 28 lớp hiện nay. Như tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), với quy mô 93 lớp, 3.780 học sinh, 230 cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hưng, trước đây trường được bố trí 4 cấp phó, nhưng từ năm 2014 đến nay chỉ được 3. “Nhà trường đã đề nghị và được các cấp quan tâm giữ ở số lượng 3 cấp phó, nhưng vì quy mô học sinh lớn nên các khâu tổ chức dạy học, ngoài giờ lên lớp gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, phụ cấp của hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng cũng chỉ như trường có số lượng từ 26 - 60 lớp”, thầy Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Năm học 2021 - 2022, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kim Bon, huyện Phù Yên, Sơn La có tổng số 52 lớp với 1.439 học sinh và 89 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế. Khối tiểu học có 37 lớp với 55 giáo viên, 1 viên chức hỗ trợ, 872 học sinh; trong đó có 251 học sinh bán trú, hoạt động tại 9 điểm trường (điểm gần nhất cách 2km, điểm xa nhất cách hơn 18km so với trung tâm trường, đường đi lại khó khăn). Tuy vậy, nhà trường chỉ có 1 cán bộ quản lý cấp phó phụ trách khối tiểu học. Tương tự, khối THCS có 15 lớp với 567 học sinh (383 học sinh bán trú), 28 giáo viên, 2 viên chức hỗ trợ, nhưng cũng chỉ có duy nhất một hiệu phó phụ trách khối.

Thầy Hiệu trưởng Cầm Văn Thân cho biết, ban giám hiệu chỉ có 3 người nên luôn quá tải trong công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát; đôi khi cấp trưởng phải làm thay cho cấp phó vì công việc quá nhiều. Hoạt động quản lý chuyên môn, giáo viên rất khó khăn, đặc biệt trong các đợt dự giờ, thăm lớp, kiểm tra chất lượng của giáo viên, học sinh, vì trường có nhiều điểm lẻ, các điểm lại cách xa nhau.

Lễ bế giảng năm học 2021 - 2022 tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Ảnh minh họa.

Linh hoạt trong giao số lượng cấp phó

Từ thực tế, thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ mong muốn nhà trường được phân công thêm một phó hiệu trưởng. Nếu được như vậy thì áp lực công việc đối với ban giám hiệu sẽ giảm đi. Một số nhiệm vụ chuyên môn hoặc một phần công tác quản lý giáo viên, học sinh được phân công cho các phó hiệu trưởng thì hiệu trưởng sẽ có nhiều thời gian để xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược của nhà trường.

Cũng theo thầy Phan Hồ Hải, với sự phát triển của thời đại 4.0, đòi hỏi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải cập nhật và thích nghi với sự phát triển chung. Do đó, để nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và giảm bớt áp lực cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường, thực hiện tốt chuyển đổi số từ đơn vị nhà trường, thậm chí tới mỗi lớp học mới có thể giảm bớt áp lực về việc thiếu biên chế phó hiệu trưởng như hiện nay.

Thầy Cầm Văn Thân thì đề xuất giao số lượng cấp phó theo quy mô trường. Điều này càng quan trọng khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với những thay đổi mang tính căn bản, toàn diện. Đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng và phức tạp đặt ra với các trường, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý cần am hiểu thực tế nhà trường, quen việc.

Ở góc độ quản lý ngành Giáo dục tại địa phương, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho biết: Thực tế cho thấy, quy mô số lớp của các trường rất khác nhau, có trường dưới 20 lớp, có trường có 60 lớp. Số lượng đầu công việc như nhau nhưng khối lượng công việc của trường có số lượng lớp nhiều sẽ vất vả hơn trường có số lượng lớp ít hơn (số lớp liên quan đến số lượng đội ngũ giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất…). Do đó, ông Trần Tuấn Khanh đề xuất, Trung ương quy định khung, địa phương bố trí linh hoạt theo thực tế bảo đảm không vượt khung.

“Trên tinh thần quy định về tổng số lượng cấp phó của cả tỉnh (số tối đa của 1 trường nhân tổng số trường), địa phương được chủ động, linh hoạt quyết định số cấp phó của từng trường dựa trên quy mô thực tế. Ví dụ, tỉnh A có 50 trường THPT, vậy số cấp phó tối đa là 100. Như vậy, tỉnh sẽ quyết định bố trí đơn vị nào 1 phó, đơn vị nào 2 phó, đơn vị nào 3 phó dựa trên quy mô thực tế từng trường, nguyên tắc không được vượt tổng số cấp phó được quy định cứng” - ông Trần Tuấn Khanh nêu ví dụ.

Nguyên Hạ - Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-cap-pho-trong-co-so-giao-duc-tram-dau-do-dau-hieu-truong-post602799.html