Quy định chuẩn chiều cao đối với sinh viên sư phạm: Nên hay không nên?

Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh vừa đưa ra quy định về điều kiện tuyển sinh năm 2019. Theo đó, thí sinh nam phải cao 1,55m trở lên, nữ từ 1,50m trở lên mới được đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên. Quy định này ngay lập tức đã gây ra tranh cãi trong dư luận xã hội với rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều sinh viên, giáo viên cho rằng, việc quy định sàn chiều cao đối với sinh viên sư phạm sẽ hạn chế cơ hội của những người có tâm huyết, trí tuệ và đam mê nghề giáo nhưng gặp hạn chế về ngoại hình.

Chị Phan Thu Hiền, cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Riêng với giáo viên Giáo dục thể chất, việc đặt ra chỉ tiêu về thể hình là cần thiết vì đây là ngành học đặc thù, đòi hỏi phải đảm bảo chiều cao, cân nặng. Tuy nhiên, với các ngành học còn lại quy định về chiều cao là không hợp lý. Cũng theo chị Hiền, trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay, làm thầy thì cốt ở sự tài giỏi và đạo đức. Tại sao không phải là chiều cao kiến thức mà lại là chiều cao hình thể. Chẳng lẽ người thấp là không bao giờ có cơ hội để trở thành giáo viên.

Đồng quan điểm này, cô Lê Thu Trà, giáo viên trường THCS Hồ Xuân Hương (Nghệ An) cũng cho biết: “Con người ta sinh ra không ai mong muốn mình thấp bé cả. Với nghề đặc thù như nhà giáo, thấp bé hay cao to không nói lên điều gì mà quan trọng là kiến thức, sự đức độ và lòng yêu nghề. Việc đặt ra điểm sàn đầu vào đối với sinh viên sư phạm là cần thiết nhưng quy định sàn chiều cao theo tôi là không phù hợp, thậm chí còn có phần phản cảm đối với môi trường nhân văn như giáo dục”...

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đưa ra yêu cầu mang tính chất giới hạn như thế này cần căn cứ nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam, không nên dựa vào suy nghĩ chủ quan. Thực tế cho thấy, một số giáo viên có chiều cao khiêm tốn, thậm chí không may bị khuyết tật, khó đi lại, vẫn có thể dạy rất tốt, đặc biệt là các môn như công nghệ thông tin.

Quy định chiều cao tối thiểu đối với sinh viên sư phạm đang gây tranh cãi trong dư luận.

Quy định chiều cao tối thiểu đối với sinh viên sư phạm đang gây tranh cãi trong dư luận.

Ngoài ra, nếu dạy học online phát triển, những người có chiều cao chưa đến 1,5m cũng hoàn toàn có thể dạy học hiệu quả qua môi trường mạng. Còn theo PGS Trần Xuân Nhĩ-nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, trong tư thế của người thầy, chiều cao là cần thiết bởi nếu giáo viên quá thấp sẽ dễ bị lọt thỏm giữa học sinh, nhất là học sinh THPT. Do vậy, bên cạnh các tiêu chuẩn về học lực, hạnh kiểm, chiều cao cũng là một trong những yếu tố mà các trường sư phạm có thể đặt ra.

Tuy vậy, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng lưu ý, quy định này cũng cần mềm dẻo. Chẳng hạn như tuyển sinh ngoài tiêu chuẩn chung nên có thêm dòng “trừ những trường hợp đặc biệt”. Ví dụ, sinh viên có năng khiếu, tố chất nghệ thuật hay thông minh đặc biệt, đồng thời đam mê ngành sư phạm nhưng không đủ tiêu chuẩn về chiều cao, có thể được hội đồng nhà trường xem xét. Điều này giúp nhà trường không bỏ lỡ những sinh viên tài năng, đam mê nghề dạy học.

Trước những băn khoăn của dư luận, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cho biết: Quy định về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ năm 2008. Đây không phải là tiêu chuẩn mới của ngành Giáo dục mà chỉ là quy định trong đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác.

Tất nhiên, khi đưa ra quy định này, nhà trường cũng đã căn cứ trên số liệu về chiều cao trung bình của người Việt Nam. Với số liệu cập nhật từ năm 2009-2010 về chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam cận 20 tuổi, trong đó chiều cao trung bình của nam đến 164,44cm và ở nữ lên đến 153,43cm thì việc nhà trường đặt ra chiều cao từ 1m50 đối với nữ và 1m55 đối với nam là có thể chấp nhận được.

Tuy vậy, PGS Huỳnh Văn Sơn cũng khẳng định, với những trường hợp đặc biệt, đề án của trường vẫn dành sự trân quý với các thí sinh này, có sự xem xét cụ thể và có những biện pháp đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng chứ không áp dụng một cách máy móc.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/quy-dinh-chuan-chieu-cao-doi-voi-sinh-vien-su-pham-nen-hay-khong-nen-532786/