QUY ĐỊNH CỤ THỂ CHẾ TÀI XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, TẬP THỂ KHÔNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của cơ quan dân cử. Trong đó, để tăng cường hiệu lực hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân, qua tổng kết thực tiễn thi hành tại địa phương, nhiều ý kiến đại biểu kiến nghị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần quy định chế tài xử lý đối với cá nhân, tập thể không thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Vừa qua, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự kiến, Hồ sơ đề nghị sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh năm 2024.

Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo,Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Qua 07 năm tổ chức triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Qua hoạt động giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Luật Hoạt động giám sát đã góp phần phát huy tính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Luật đã quy định khá đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phương thức hoạt động, nguyên tắc làm việc và các điều kiện bảo đảm hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND), cơ quan của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả;…

Hội đồng nhân dân các cấp tích cực triển khai hoạt động giám sát tại địa phương

Bổ sung chế tài bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát

Từ thực tiễn tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam cho rằng, nội dung, phạm vi giám sát của các cơ quan của HĐND tỉnh quy định tại các Điều 57, 66, 76 và 83 chưa nhống nhất với quy định về thẩm quyền giám sát quy định tại Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nên còn có cách hiểu khác nhau. Do vậy, đề nghị điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và trong triển khai thực hiện.

Ngoài ra, hiệu lực của kết luận giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND quy định tại Khoản 2, Điều 89 chưa chặt chẽ và chưa có chế tài bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan này nên hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị chưa cao, làm giảm mục đích, ý nghĩa của hoạt động giám sát. Do vậy, đại biểu kiến nghị quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các cá nhân, tập thể không thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trong xây dựng các luật chuyên ngành cần quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của Thường trực HĐND, để đảm bảo HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam cũng đề nghị: cần bổ sung các quy định về mời chuyên gia, tổ chức tư vấn đánh giá độc lập để giúp cho việc tổ chức giám sát chuyên sâu từng vấn đề, trong đó nêu cụ thể tiêu chuẩn, kinh phí chi trả thù lao; tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND Tp. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch HĐND Tp. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đề xuất, xây dựng quy định cụ thể biện pháp, chế tài để xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ các kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các của Ban HĐND nói chung và Tổ đại biểu HĐND nói riêng sau giám sát của các đoàn giám sát mà không có lý do chính đáng.

Mở rộng khái niệm giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý vào nội dung này, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền cho rằng, sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 theo hướng: Quy định trách nhiệm cá nhân, tổ chức, cơ quan, trong đó đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân với quy định Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật và nghị quyết của HĐND.

Đồng thời, Luật sửa đổi cần mở rộng khái niệm giám sát của Quốc hội và HĐND, bởi đây là giám sát thể chế, là hoạt động giám sát có tính chất cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước. Theo khái niệm hiện nay thì chỉ là “giám sát ngoài da” rất khó để HĐND có thực quyền trọng giám sát. Đề nghị quy định “Giám sát của Quốc hội và HĐND là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, kiểm tra, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.”

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền nhấn mạnh, Luật hoạt động giám sát cần quy định chế tài xử lý rõ ràng hơn. Khi so sánh với chức năng kiểm tra của cấp ủy, thanh tra của UBND và Kiểm toán nhà nước thì rõ ràng giám sát của HĐND chỉ kiến nghị, đề xuất. Do đó, cần sửa luật và quy định rõ Đoàn giám sát của HĐND sau khi gửi kiến nghị yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan có thẩm quyền đó không tiếp thu, giải quyết thì phải chịu hậu quả gì? Hiện nay kiến nghị gửi còn thực hiện hay không cũng chưa có bất kỳ biện pháp gì để xử lý…

Lý giải đề xuất này, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền cho biết, theo quy định của Luật, trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên còn nhiều khó khăn, do thẩm quyền của đoàn giám sát cũng chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, còn trách nhiệm xử lý của cơ quan có thẩm quyền như thế nào thì chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, cần bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm, cụ thể hóa các biện pháp chế tài đối với việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm và không thực hiện các ý kiến, kết luận giám sát hợp pháp của các cơ quan HĐND.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, trong đó cần có quy định về chức năng giám sát của Quốc hội và HĐND thông qua hình thức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là kênh giám sát rất quan trọng, hiệu quả, kết hợp đánh giá được qua nhiều hoạt động giám sát khác.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị: Luật hoạt động giám sát sửa đổi bổ sung những quy định về chế tài xử lý trường hợp người đứng đầu để xảy ra sai phạm, nhất là đối với những người đứng đầu do Quốc hội và HĐND bầu, hoặc thông qua; Yêu cầu đối tượng giám sát bắt buộc phải thực hiện kiến nghị giám sát đối với tồn tại hạn chế được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát; Bổ sung quy định giá trị pháp lý của báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND; Bổ sung cơ chế và quy định rõ nguồn kinh phí cho các đại biểu HĐND được thuê chuyên gia trong hoạt động nói chung và trong giám sát nói riêng, để nâng cao chất lượng giám sát của đại biểu HĐND;..../.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84976