Quy định cụ thể về việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về thiệt hại được bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và một số biện pháp thi hành Luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định này đã quy định cụ thể về việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cũng như khoảng thời gian làm căn cứ để xác định thiệt hại.

Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Liên quan đến việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 23 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tại Điều 3 Nghị định 68/2018/NĐ-CP nêu rõ: Thứ nhất, giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng trên thị trường quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật là giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường của 03 tài sản đó do 03 cơ sở kinh doanh khác nhau trên thị trường cung cấp.

Thứ hai, thị trường quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật là thị trường trong phạm vi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi là thị trường cấp huyện) nơi phát sinh thiệt hại thực tế. Trường hợp thị trường cấp huyện nơi phát sinh thiệt hại thực tế không có tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng thì thị trường là thị trường cấp huyện gần nhất với nơi phát sinh thiệt hại thực tế trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, mức độ hao mòn của tài sản quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định.

Thứ tư, giá thị trường để sửa chữa, khôi phục lại tài sản bị hư hỏng quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật là giá giao dịch phổ biến trung bình trên thị trường cấp huyện theo quy định tại khoản 2 Điều này để sửa chữa, khôi phục lại tài sản do 03 cơ sở dịch vụ sửa chữa, khôi phục khác nhau trên thị trường cung cấp.

Thứ năm, trường hợp không xác định được giá thị trường theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này thì cơ quan giải quyết bồi thường định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

Thứ sáu, mức giá thuê trung bình 01 tháng của động sản cùng loại hoặc có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và chất lượng quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật là mức giá thuê trung bình 01 tháng của 03 tài sản đó do 03 cơ sở khác nhau cho thuê trên thị trường cung cấp. Thị trường được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này. Mức giá thuê trung bình 01 tháng đối với bất động sản là mức giá thuê trung bình của 03 bất động sản cùng loại, cùng chất lượng do 03 cơ sở khác nhau cho thuê trên thị trường cung cấp. Thị trường được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Thứ bảy, thời điểm thiệt hại xảy ra quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 23 của Luật là ngày phát sinh thiệt hại thực tế

Cụ thểkhoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại

Tại Điều 4 Nghị định 68/2018/NĐ-CP đã quy định về khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 23 của Luật. Theo đó, khoảng thời gian để tính thu nhập thực tế bị mất quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật do tài sản đã bị phát mại, bị mất được tính từ ngày tài sản bị phát mại, bị mất đến thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 43 của Luật hoặc đến thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 và Điều 55 của Luật.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian để tính thu nhập thực tế bị mất quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật do không được sử dụng, khai thác tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu trái pháp luật hoặc do tài khoản bị phong tỏa được tính từ ngày không được sử dụng, khai thác tài sản đến ngày tài sản được trả lại hoặc đến ngày tài khoản được giải tỏa. Khoảng thời gian để tính khoản lãi quy định tại khoản 4 Điều 23 của Luật đối với khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước hoặc bị tịch thu, thi hành án, đã đặt để bảo đảm theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bị tịch thu, bị thi hành án, đặt tiền để bảo đảm theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại khoản tiền đó.

Mặt khác, khoản 4 Điều 4 Nghị định 68/2018/NĐ-CP cũng quy định, khoảng thời gian để tính khoản lãi quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật đối với khoản tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế được xác định như sau: a) Đối với khoản lãi của khoản tiền phạt quy định tại đoạn 2 khoản 5 Điều 23 của Luật thì được tính từ ngày nộp khoản tiền phạt đến thời điểm người bị thiệt hại trả xong khoản lãi của khoản tiền phạt; b) Đối với khoản lãi của khoản tiền phạt quy định tại đoạn 3 khoản 5 Điều 23 của Luật thì được tính từ ngày nộp khoản tiền phạt đến thời điểm thụ lý, giải quyết.

Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 68/2018/NĐ-CP còn quy định, trường hợp đến thời điểm thụ lý, giải quyết mà thiệt hại quy định tại khoản 2, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này chưa chấm dứt thì khoảng thời gian được tính từ ngày phát sinh thiệt hại thực tế đến thời điểm thụ lý, giải quyết.

P.V

Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ gồm 6 chương, 37 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Nghị định áp dụng đối với cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, người bị thiệt hại, người yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường, người thi hành công vụ gây thiệt hại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước.

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/quy-dinh-cu-the-ve-viec-xac-dinh-thiet-hai-do-tai-san-bi-xam-pham-55995.html