Quy định của Luật Biên phòng Việt Nam về bảo đảm nguồn nhân lực

Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới đặt ra đòi hỏi tất yếu phải bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Bảo đảm nguồn nhân lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới đã được quy định tại Điều 25, Luật Biên phòng Việt Nam.

Huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Bình. Ảnh: Đức Trí

Điều 25. Bảo đảm nguồn nhân lực

“1. Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Nhà nước có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên cư dân ở khu vực biên giới.

2. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, người có tài năng được ưu tiên, khuyến khích phục vụ lâu dài trong BĐBP”.

Quy định về bảo đảm nguồn nhân lực của Luật Biên phòng Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Quy định này phản ánh sự thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời, là sự cụ thể hóa quy định về bảo vệ Tổ quốc, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013.

Trong đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia nêu rõ: “Quản lý bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước”; BĐBP là “lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ”; “xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể”.

Hiến pháp năm 2013 đã xác định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân” (khoản 1, Điều 45); “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (khoản 2, Điều 45); Công dân có nghĩa vụ “tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” (Điều 46); “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề” (khoản 3, Điều 61).

Bảo đảm nguồn nhân lực bao gồm bảo đảm về số lượng và chất lượng nhân lực tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Để thực hiện yêu cầu này, Luật Biên phòng Việt Nam quy định trách nhiệm của Nhà nước trên 2 phương diện:

Thứ nhất, đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng: Nhà nước có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng này và chú ý ưu tiên cư dân ở khu vực biên giới.

Nguồn nhân lực cung cấp cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được khẳng định là công dân Việt Nam. Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Công dân Việt Nam được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật. Cư dân ở khu vực biên giới là bộ phận công dân Việt Nam được ưu tiên trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu; cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân nêu trên. Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng là lực lượng trực tiếp thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ biên phòng; góp phần hiện thực hóa các chính sách của Nhà nước về biên phòng (Điều 3, Điều 5, Luật Biên phòng Việt Nam). Lực lượng này cần được bảo đảm về nguồn nhân lực để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Thứ hai, đối với lực lượng BĐBP: Với vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Việc đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng này thể hiện sự đòi hỏi và mức độ đáp ứng các điều kiện cần thiết để BĐBP đảm nhiệm và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong cả thời bình và thời chiến. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời, thể hiện ý thức tự giác, tích cực, chủ động của cán bộ, chiến sĩ BBĐP trong nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Đặc biệt, Nhà nước có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực trong lực lượng BĐBP đối với người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới và người có tài năng. Điều này phù hợp với chính sách chung của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách trọng dụng nhân tài.

Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong đùm bọc, che chở, giúp đỡ lực lượng BĐBP bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Vai trò đó cần phải được khẳng định và thể hiện trong Luật Biên phòng Việt Nam - văn bản luật có tính chất quan trọng quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Trong đó, xác định tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Như vậy, quy định của Luật Biên phòng Việt Nam về bảo đảm nguồn nhân lực là cơ sở pháp lý để tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Quy định này được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Thạc sĩ Vũ Quang Hùng, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quy-dinh-cua-luat-bien-phong-viet-nam-ve-bao-dam-nguon-nhan-luc-post438479.html