Quy định hành bệnh nhân?

BS Vân cho biết việc nhận thuốc ARV mỗi tháng một lần đối với người điều trị ổn định (hàng ngàn người trên địa bàn TP) là gây khó khăn cho người đi làm ăn xa, người đi biển dài ngày.

Bệnh nhân nhận thuốc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Ngọc Dương

Phác đồ điều trị bệnh viêm gan B, HIV quy định bệnh nhân có thể kiểm tra lại 3 tháng 1 lần, nhưng thông tư mới nhất của Bộ Y tế quy định kê toa thuốc ngoại trú chung cho tất cả các loại bệnh chỉ 1 tháng, muốn có thuốc uống, người bệnh phải quay lại bệnh viện.

Phản ánh với Thanh Niên, bệnh nhân (BN) N.T.S (51 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho biết đã tái khám bệnh viêm gan B tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) 3 lần. “Nếu quy định cho phép 3 tháng tái khám 1 lần, kê toa (khi bệnh ổn định) sẽ đỡ tốn tiền xét nghiệm, siêu âm và giảm chi phí đi lại rất nhiều, đặc biệt là phải mất ngủ cả đêm, cả ngày dài ngồi chờ tại BV, rất mệt”, BN S. phản ánh. Một BN khác ngoài 60 tuổi, ngồi bên cạnh cũng cho biết nhà có 3 người viêm gan B, C, mỗi tháng phải thuê xe từ An Giang lên TP khám bệnh rất tốn kém.

BN bị nhiễm HIV điều trị ổn định rồi thì chỉ có bấy nhiêu đó. Theo tôi, nên định kỳ tái khám 3 tháng một lần đỡ hành BN lên xuống. Trong 3 tháng uống thuốc nếu có gì BN sẽ trở lại tái khám

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM

Không nên cứng nhắc

TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết BV này là một trong những BV tiếp nhận, điều trị BN viêm gan B nhiều nhất khu vực phía nam. Năm 2017 BV tiếp nhận 48.000 người viêm gan B điều trị ngoại trú (61% ở các tỉnh thành khác), trong đó 50% chuyển qua mạn tính, tức khoảng 24.000 người phải điều trị thuốc đặc hiệu kháng vi rút. Đó là chưa kể BN điều trị tại các BV khác.

Theo TS-BS Hùng, khi BN mắc viêm gan B mạn tính điều trị chưa ổn định thì tùy theo tình hình bác sĩ (BS) sẽ hẹn BN tái khám để điều chỉnh thuốc. BN viêm gan B mạn tính uống thuốc đặc trị gần như cả đời. Trước tháng 3.2018, BN đã điều trị ổn định thì có thể hẹn tái khám 3 tháng mỗi lần theo phác đồ để xem tổn thương gan, đánh giá chức năng thận và kê đơn điều trị tiếp.

Tuy nhiên, Thông tư 52/2017 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ tháng 3.2018) quy định về kê đơn thuốc hóa học, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có quy định cho toa thuốc không quá 1 tháng. Theo TS-BS Hùng, điều này gây khó khăn cho nhiều BN.

Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Ngọc Dương

“Với người không bận công việc, nhà gần BV mỗi tháng đi khám để được kê đơn thuốc thì không vấn đề gì. Còn số đông BN từ các tỉnh, mỗi lần lên TP là phải bỏ công việc, mất thời gian, tốn tiền (nhiều hơn tiền thuốc). Chưa kể một số người đi làm ăn xa, lâu ngày như: ngư dân, thủy thủ, đi rừng, buôn bán hoặc làm việc tại các nước trong khu vực... không có điều kiện tái khám mỗi tháng. Nếu chỉ kê đơn một tháng như quy định thì khả năng cao người bệnh sẽ không tuân thủ điều trị hoặc tự mua thuốc ở những nơi kinh doanh thuốc không đúng quy định (không bán theo đơn thuốc) với nguồn gốc thuốc và bảo quản thuốc khó kiểm soát”, TS-BS Hùng nói và cho biết thêm hiện nhiều người một tháng lên BV một lần nhưng không cần phải siêu âm, xét nghiệm gì, chỉ cần đơn thuốc để đi mua.

Ngoài ra, thuốc trị viêm gan B còn dùng để điều trị dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con với thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế là khoảng 3 tháng trước và sau sinh. Có những bà mẹ gần tới ngày sinh hoặc mới sinh vài hôm thì tới ngày tái khám, nếu không kê đơn quá 1 tháng thì làm sao họ tái khám để có thuốc uống?

Theo TS-BS Hùng, phác đồ điều trị HIV, thuốc có thể cho kéo dài 3 tháng để tăng sự tuân thủ, nhưng thông tư trên cũng chỉ quy định cho toa thuốc 1 tháng. Quy định đơn thuốc cho 1 tháng có thể phù hợp với nhiều bệnh mạn tính, nhưng với bệnh viêm gan B mạn tính và nhiễm HIV thì có khó khăn.

“BV đã từng gửi công văn đến Cục Quản lý khám, chữa bệnh về vấn đề xin được kê đơn kéo dài cho 2 loại bệnh trên nhưng chưa nhận được ý kiến phản hồi”, TS-BS Hùng cho biết.

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thêm vừa qua có nhiều ý kiến đề xuất cho thuốc 1, 2 tháng, 3 tháng đối với BN viêm gan B. Nhưng BV Chợ Rẫy thì cho rằng BN nên đến BV kiểm tra 1 tháng/lần để đánh giá tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, không nên quá cứng nhắc là cho thuốc 1 tháng hay bao lâu, bởi thời gian tái khám, cho thuốc cần theo đánh giá của BS điều trị.

Đề xuất cấp ARV 3 tháng cho BN điều trị HIV ổn định

Ngày 6.8 vừa qua, BS Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, có công văn gửi các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS về việc thực hiện điều trị ARV (một phương pháp điều trị HIV) nhanh (trong ngày) và khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho BN điều trị ARV ổn định.

Theo trung tâm, Bộ Y tế đã có quy định về tiêu chuẩn xác định người bệnh điều trị ARV ổn định. Những người đủ tiêu chuẩn như trên thì có thể tái khám, kê đơn cấp thuốc ARV với số lượng sử dụng tối đa 3 tháng (90 ngày). Những trường hợp khác thì tái khám định kỳ hằng tháng hoặc sớm hơn, số lượng thuốc được kê đơn và cấp tối đa 1 tháng.

Tiếp đó đến ngày 16.8, trung tâm có công văn gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề nghị 2 cơ quan này phản hồi chính thức cho TP.HCM biết việc TP áp dụng cấp thuốc ARV 3 tháng cho BN theo tiêu chuẩn như trên để TP thực hiện.

Trả lời Thanh Niên, BS Vân cho biết việc nhận thuốc ARV mỗi tháng một lần đối với người điều trị ổn định (hàng ngàn người trên địa bàn TP) là gây khó khăn cho người đi làm ăn xa, người đi biển dài ngày. Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM (người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị HIV), nói: “BN bị nhiễm HIV điều trị ổn định rồi thì chỉ có bấy nhiêu đó. Theo tôi, nên định kỳ tái khám 3 tháng một lần đỡ hành BN lên xuống. Trong 3 tháng uống thuốc nếu có gì BN sẽ trở lại tái khám”.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS: số người nhiễm HIV mới phát hiện hằng năm có xu hướng giảm, nhưng số lũy tích tiếp tục tăng cao - hiện có trên 200.000 người nhiễm cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên liên tục, suốt đời. Mỗi năm có 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện và 2.000 người tử vong do AIDS. VN hiện có 130.000 BN đang được điều trị bằng thuốc ARV. Nhưng số này ước mới đạt gần 60% số người nhiễm HIV được chẩn đoán, còn khoảng 40% người mắc HIV chưa được điều trị do khó khăn kinh tế và do e ngại sự kỳ thị của xã hội.

Còn theo Cục Y tế dự phòng, VN là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm vi rút viêm gan gây nên.

Theo TS-BS Lê Mạnh Hùng, vi rút viêm gan B (và C) là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B (và C). (L.Châu - D.Tính)

Duy Tính

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/quy-dinh-hanh-benh-nhan-997703.html