Quy định lệch chuẩn, dân dễ "nhờn" luật

Trong khi dư luận đang hoang mang, thì đại diện Bộ Công an lên tiếng giải thích "trưng dụng tài sản cá nhân" được hiểu như "huy động" lại càng khiến người dân thêm mù mờ.

Thông tư 01 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/2, quy định về 7 quyền hạn của cảnh sát giao thông, trong đó quyền hạn thứ 6 đang làm dư luận hoang mang. Người dân lo lắng bởi tài sản của mình bỗng nhiên bị trưng dụng, mà quyền bảo vệ tài sản của dân thì chẳng có lấy một chữ, thậm chí lại còn có thể bị phạt nếu không đồng ý cho trưng dụng.

Thông tư mới ra đầu năm của Bộ Công an về quyền hạn của cảnh sát giao thông đang khiến dư luận hết sức hoang mang. Ảnh minh họa

Khi đọc xong thông tư này trên báo chí, thầm nghĩ cảnh sát giao thông nước mình chỉ non nửa tháng nữa thôi thì giống hệt cảnh sát mấy nước phương tây mà người dân Việt được xem qua phim ảnh.

Đó là chuyện người dân đang lái xe bỗng thấy một người đàn ông lao ra chặn xe, tay giơ thẻ, miệng nói “tôi là cảnh sát đây”, thế rồi lôi tuột người dân ra khỏi vô lăng, nhảy vụt lên xe, chạy ngoằn ngèo, vun vút như đua xe với tội phạm…

Thế là dư luận xôn xao bàn tán, bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí còn cho là trái luật, là vi hiến, là xung đột pháp lý và yêu cầu Bộ Công an thu hồi lại quyết định này.

Đại diện Bộ Công an thì nói không sai, dư luận thì bảo… sai là rõ rồi. Thầm nghĩ, đúng hay sai, được hay không được quyền trưng dụng rồi sẽ được Bộ Tư pháp đưa ra kết luận sau khi xem xét tính pháp lý hợp hiến hợp pháp của thông tư đang làm nóng dư luận này.

Thế nhưng, dưới góc độ của người dân, sau khi đọc xong trả lời của Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính Tư pháp trên truyền thông, tôi thấy lời giải thích của vị thiếu tướng lại làm tôi thêm phần mù mờ. Tôi tin là, không chỉ mình tôi rơi vào cảm giác “mù mờ” ấy.

Bởi đã là quy định của luật thì phải rõ ràng, dễ hiểu để dân thực thi.

Theo lời của Thiếu tướng Trần Thế Quân thì quyền trưng dụng được hiểu là quyền huy động. Xin thưa với thiếu tướng, rõ ràng trong Thông tư 01 ghi rất rõ là “quyền trưng dụng của cảnh sát giao thông”, trong khi nghĩa của “trưng dụng” và “huy động” là hoàn toàn khác nhau.

Phải chăng khi dư luận đặt ra câu hỏi về luật đã ban hành trước đó, khi mà chỉ có bộ trưởng hay chủ tịch tỉnh mới được quyền trưng dụng tài sản của dân, và cần trưng dụng thì phải có quyết định, nên thiếu tướng mới đề nghị dân hiểu "trưng dụng” hay huy động cũng… na ná giống nhau.

Chính câu trả lời của thiếu tướng cũng đầy mâu thuẫn. Trong trường hợp cảnh sát giao thông trưng dụng xe của người dân để truy đuổi tội phạm mà lại còn “dềnh dàng” - như lời vị thiếu tướng - nào là kiểm tra thẻ tuần tra, kiểm soát hoặc giấy chứng nhận ngành công an.

Và nếu người dân chưa yên tâm, còn nghi ngờ là… cảnh sát giả thì người dân có thể được yêu cầu được liên lạc với chỉ huy của cảnh sát giao thông để kiểm tra, liên hệ, thậm chí nếu vẫn còn nghi ngờ thì được quyền không giao tài sản…

Ôi trời, mất ngần ấy thời gian để kiểm tra “thật, giả” thì tội phạm đã… cao chạy xa bay, còn đâu bóng dáng để mà cảnh sát giao thông truy đuổi. Còn cớ nào để cảnh sát giao thông phạt người dân khi không đồng ý cho trưng dụng tài sản?

Chưa hết, lại còn chuyện “đền bù tài sản trưng dụng” bị hư hỏng, nếu không có biên bản xác nhận hiện trạng tài sản trước khi cảnh sát giao thông trưng dụng, thì rồi người bảo hỏng nhiều, người bảo hỏng ít, ai làm chứng, chẳng có trọng tài thì đền bù như thế nào?

Theo lời thiếu tướng Quân, hai bên thỏa thuận đền bù, nếu người dân không đồng ý có quyền kiện ra tòa. Ra tòa thì phải có bằng chứng, và phải có xác nhận giá trị tài sản trước khi bàn giao để có cơ sở pháp lý, tòa mới xử được…

Có nghĩa là, theo tôi hiểu thì Thông tư 01 ban hành, cả người dân và cảnh sát giao thông đều được quyền… không thực hiện.

Một thông tư vừa ra đời mà đã bị dư luận “điểm huyệt” về sự không chuẩn dưới góc độ pháp lý, Bộ Công an hãy lắng nghe để người thực thi - cảnh sát giao thông - cũng dễ bề hoàn thành nhiệm vụ mà không bị người dân cho là “quyền” nhiều hơn “hạn”, nghi ngờ là lạm quyền. Và cũng để người dân thấy mình có trách nhiệm với xã hội.

Chẳng lẽ cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ mà không có phương tiện như xe, điện thoại… để mà phải trưng dụng của dân?

Chỉ trong vòng một tháng, hai quy định của Bộ Công an làm dư luận nảy lửa vì không có tính khả thi khi thực hiện. Đó là quy định xe ô tô con có bình cứu hỏa, nay lại là quyền trưng dụng tài sản của dân.

Những quy định ban ra mà không thực hiện được thì chỉ “góp phần” làm dân nhờn luật.

Lê Nguyễn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/quy-dinh-lech-chuan-dan-de-nhon-luat-c8a386152.html