Quy định mới về chính sách BHYT đối với người có công

Luôn quan tâm đến người có đóng góp cho đất nước trong các thời kì lịch sử, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ngày càng có nhiều chính sách mới hỗ trợ cho người có công tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh thông qua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của pháp luật.

Quan tâm đến những người có công với cách mạng là sự ghi nhận cần thiết và kịp thời thể hiện chính sách nhân văn cao cả của BHXH Việt Nam (Ảnh: TL)

Quan tâm đến những người có công với cách mạng là sự ghi nhận cần thiết và kịp thời thể hiện chính sách nhân văn cao cả của BHXH Việt Nam (Ảnh: TL)

Theo ôngVũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, đối tượng cựu chiến binh được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT gồm: Người đã trực tiếp tham gia các đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc trước năm 1975; Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, dân quân tự vệ trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cămpuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành.

Theo đó, các đối tượng là người có công với cách mạng được miễn phí tham gia BHYT và hưởng mức quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) cụ thể như sau:

Trường hợp 1: KCB tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (KCB đúng tuyến) và ở cơ sở KCB khác theo giấy chuyển viện phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp tai nạn, cấp cứu.

Trong trường hợp này, BHYT sẽ chi trả 100% chi phí KCB cho đối tượng là người có công với cách mạng.

Trường hợp 2: KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu, KCB vượt tuyến (trừ trường hợp cấp cứu, tai nạn): 100% chi phí KCB khi KCB nội trú tại bệnh viện tuyến huyện (hưởng quyền lợi như KCB đúng tuyến)., 60% chi phí KCB khi KCB nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, 40% chi phí KCB khi KCB nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.

Trường hợp 3: KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc đi KCB tại cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT nhưng không đủ thủ tục KCB theo quy định.

Trong trường hợp này, người bệnh tự thanh toán chi phí KCB với cơ sở y tế, sau đó mang chứng từ đến cơ quan BHXH để thanh toán.

Theo đó, quy trình cấp thẻ BHYT cho người có công với cách mạng được tiến hành như sau:

Bước 1: Người có công với cách mạng hoặc thân nhân lập bản khai quá trình hoạt động cách mạng gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp Xã (UBND).

Bước 2: UBND cấp xã xác nhận bản khai trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận các giấy tờ chứng thực của người đăng ký. Sau khi xác nhận gửi đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bước 3: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra nhân thân đối tượng có thuộc diện được mua bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng hay không trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ các giấy tờ theo quy định đồng thời lập danh sách đề nghị được cấp thẻ bảo hiểm y tế đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bước 4: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra và phê duyệt lại danh sách yêu cầu cấp thẻ bảo hiểm y tế trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các giấy tờ và chuyển danh sách đã kiểm tra về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bước 5: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện đăng ký thẻ bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng. Thẻ sau khi được phát hành sẽ chuyển về UBND cấp xã để trao đến tay các cá nhân đăng ký làm thẻ bảo hiểm y tế.

Trên đây là quy trình cấp thẻ BHYT và mức hưởng chế độ BHYT dành cho người có công với cách mạng. BHYT cho người có công với cách mạng là chính sách an sinh xã hội của nhà nước, giúp đối tượng này được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, giảm bớt gánh nặng về tài chính.

Là người trực tiếp nhận được những tiện ích của chính sách mới về BHYT đối với người có công, ông Nguyễn Viết Minh từng là dân công hỏa tuyến thời kì chống Mỹ cứu nước phấn khởi cho biết: “Nhờ có những hỗ trợ kịp thời này mà những người từng đóng góp máu xương cho Tổ quốc như chúng tôi được an ủi phần nào khi trái gió, trở trời hay gặp các bệnh mãn tính, nguy hiểm với chi phí khám chữa bệnh đắt đỏ. Đây là sự ghi nhận những đóng góp của người có công với cách mạng rất đúng lúc”.

Với những đổi mới tích cực nhằm phấn đấu xây dựng một quỹ phúc lợi chung để đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng trong xã hội, BHXH Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để ngày càng hoàn thiện mình, trở thành người đồng hành trên từng chặng đường phát triển của đất nước. Đây vừa sự thể hiện chính sách quan tâm đến những người có công của nhà nước, vừa là sự tri ân, ghi nhớ và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn mà BHXH Việt Nam đã và đang cố gắng thực hiện.

Huyền Ngọc - Thu Trà - Bá Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quy-dinh-moi-ve-chinh-sach-bhyt-doi-voi-nguoi-co-cong-n14205.html