Quy định mới về khoanh thuế, nợ thuế không cẩn thận lại vẽ đường cho trốn thuế

Cho ý kiến về dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng 12.11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng dự Luật bổ sung quy định về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự... không khéo lại 'vẽ đường cho hươu chạy', khiến tình trạng trốn thuế càng trầm trọng hơn.

ĐB Phan Thái Bình: Không cẩn thận, quy định mới về thuế sẽ vẽ đường cho DN... chạy.

Theo đó, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Theo báo cáo giải trình của Chính phủ, quy định này là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.

Dự thảo Luật cũng đồng thời quy định Thủ tướng Chính phủ xóa nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.

Nhiều ĐB băn khoăn về các quy định bổ sung này. ĐB Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam - đặt câu hỏi: “Bây giờ xác định như thế nào là không có khả năng thu hồi? Cơ quan nào có chức năng xác nhận việc người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi, doanh nghiệp (DN) giải thể, thu hồi giấy phép kinh doanh... không có khả năng nộp thuế, không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế?”.

ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) – Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng - đề nghị bỏ khoản 3 Điều 85, quy định 10 năm không thu hồi được thì xóa.

Theo ĐB Dũng, quy định như vậy có khác gì vẽ đường cho trốn thuế. "Trong khi Luật Hình sự quy định, nếu DN trây ỳ, không nộp thuế phải xử lý hình sự thì dự Luật Quản lý thuế sửa đổi lại đưa ra quy định 10 năm xóa nợ thế thì xử gì nữa. Quy định như vậy là không nghiêm túc. Nếu thế DN cứ cố tình trây ỳ đến 10 năm để chờ xóa thì sao? Quy định về xóa nợ thuế như vậy dễ dẫn đến tiêu cực” – ĐB Dũng thẳng thắn.

Về thẩm quyền xóa nợ thuế, theo Nguyễn Quang Dũng cũng như nhiều ĐB khác, cần bỏ thẩm quyền xóa nợ của cục trưởng cục thuế và cục trưởng cục hải quan. Bởi lẽ, kể cả khi cục trưởng được xóa 1 tỉ đồng cũng tạo ra kẽ hở cho cơ chế xin – cho và nhiều hệ lụy khác.

Theo nhiều ĐBQH, cần quy định về xóa nợ thuế một cách cụ thể, xác định nợ thực chất là bao nhiêu, số khả năng thu được là bao nhiêu, không thu được là bao nhiêu để có phương án rõ ràng, tránh tình trạng đẹp báo cáo nợ thuế nhưng lại là kẽ hở cho thất thoát.

Vấn đề ấn định mức thuế cũng cần có quy định cụ thể hơn so dự luật. Theo đó, nếu quy định cơ quan thuế thu nhiều hơn mức ấn định thì phải hoàn và bồi thường nếu gây thiệt hại cho DN, tuy nhiên vấn đề đặt ra là nếu thu ít hơn, không đủ mức ấn định thì sao? DN và cán bộ thuế có trách nhiệm ra sao chưa được quy định rõ.

Xuân Hùng - Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/quy-dinh-moi-ve-khoanh-thue-no-thue-khong-can-than-lai-ve-duong-cho-tron-thue-640982.ldo