Quy định mới về mở hòm thư tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm

Tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương cần phải mở hòm thư để tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, cơ quan, tổ chức không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 về “Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” quy định, chỉ có hai chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đó là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, đồng thời chỉ quy định chủ thể duy nhất là Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong đó, không quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết mà sau khi tiếp nhận phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền.
Còn theo quy định mới của BLTTHS năm 2015, tại Điều 145 về “Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”: Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, cơ quan, tổ chức không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Cơ quan, tổ chức không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a ) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

Khoản 4 Điều này còn quy định về trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã quy định mở rộng cả chủ thể tiếp nhận và chủ thể có thẩm quyền giải quyết đối với các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Trong đó, đáng chú ý là quy định mới đối với chủ thể có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tại Điểm b Khoản 2 Điều 145 BLTTHS nêu trên, cụ thể, qua nghiên cứu các điều luật có liên quan thì việc quy định các cơ quan khác quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 145, trong đó bao gồm có các cơ quan được quy định tại các điều luật sau:
Thứ nhất là, quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 145 Bộ luật là “Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo thẩm quyền điều tra của mình”. Đó là các cơ quan được quy định cụ thể tại Điều 35 của Bộ luật này, cụ thể tại Khoản 1 Điều 35 quy định Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, bao gồm các cơ quan của các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; các cơ quan của Quân đội nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
Các cơ quan nêu trên cũng được quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại Điều 9 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Thứ hai là, các cơ quan được quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 146 BLTTHS năm 2015, cụ thể:
Khoản 3 quy định: Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Khoản 4 quy định: Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
Như vậy cho thấy, với quy định mới của BLTTHS năm 2015 thì chủ thể tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm là rất rộng, hầu như không hạn chế cơ quan, tổ chức nào trong bộ máy nhà nước đều phải có trách nhiệm tiếp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm gửi đến.
Đối với quy định thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: BLTTHS năm 2003 chỉ quy định chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là Cơ quan điều tra Công an các cấp, trong khi đó, BLTTHS năm 2015 quy định mới thêm hai chủ thể có thẩm quyền giải quyết đó là “Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”, các cơ quan này giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình và chủ thể mới thứ hai đó là VKSND có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
Để tổ chức, thực hiện tốt quy định nêu trên của BLTTHS năm 2015, thiết nghĩ, không chỉ các cơ quan tư pháp, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra mà tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương cần phải mở hòm thư để tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, nhằm để tiếp nhận kịp thời, đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp, báo tin để xử lý, tránh bỏ lọt tội phạm. Đây cho thấy cũng là một bước tiến mới trong tiến trình cải cách tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mọi người dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền cũng như trách nhiệm của mình trong việc phát hiện và xử lý tội phạm.

Huỳnh Minh Hiền

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/quy-dinh-moi-ve-mo-hom-thu-tiep-nhan-to-giac-tin-bao-toi-pham-50712.html