Quy định nhập khẩu ô tô mở ra những tín hiệu tích cực, xe có thể giảm giá thành

Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đang gây sự chú ý của dư luận. Quy định này có nhiều yếu tố mới, tích cực và được cho là có thể gián tiếp góp phần giảm giá thành xe.

Tiêu chuẩn rõ ràng, bình đẳng

Phát biểu tại hội thảo góp ý sửa đổi Thông tư này do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức chiều 12/9, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc, nêu một trăn trở: Hiện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đang gặp vướng mắc lớn nhất là hai loại giấy tờ an toàn kỹ thuật giấy phép về bảo vệ môi trường.

Thường các nhà sản xuất khi xuất xưởng xe đã kiểm tra kỹ càng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tại nước đó, nên xe xuất xưởng đương nhiên đảm bảo chất lượng và đạt yêu cầu. Trước đây chỉ có thông tin về giấy khai sinh của xe gồm thông tin về tên, hãng sản xuất và không còn bất kỳ thông tin nào khác. Điều này là một điểm mới, doanh nghiệp lo ngại hàng rào kỹ thuật này có thể sẽ là một rào cản với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho rằng Thông tư này của Bộ Giao thông Vận tải đã động chạm gián tiếp đến ngành vận tải và có vai trò quan trọng với ngành. Ông thông tin, từ 2014 đến nay, Chính phủ siết chặt kiểm định ô tô, rất nhiều xe quá khổ, quá tải nhập vào Việt Nam, phá đường, phá hủy cơ sở vật chất nhưng các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp để xử lý. Hiệp hội Vận tải đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ khi xe nhập về Việt Nam phải có giấy kiểm tra chất lượng kỹ thuật và an toàn do cơ quan chức năng chứng nhận. Và sau đó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp thu.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đánh giá dự thảo Thông tư này có nhiều yếu tố mới như những tiêu chuẩn rõ ràng, được chứng nhận của nước xuất khẩu thì phải được đăng kiểm, nếu không đảm bảo sẽ tái xuất, đây là điểm ái tích cực.

“Chúng tôi kiến nghị tất cả phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật do nước xuất khẩu cấp nhưng chúng tôi băn khoăn, kiểm tra như sản xuất trong nước nhưng phát hiện ra không đáp ứng tiêu chí, bắt tái xuất thì đến đoạn cuối rồi, rất khó và gây căng thẳng nên chăng tìm cách không cho vào Việt Nam từ trước và không để xe thùng quá to vào Việt Nam”, ông Thanh nói.

Đáp lại thắc mắc của đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định nếu các xe không đảm bảo, bắt buộc tái xuất. Cụ thể, đối với ô tô là nhóm 2, khi sản xuất phải đúng kiểu loại, phải có chứng nhận xuất xưởng. Thông tư này hoàn toàn đạt được 2 mục tiêu vừa kiểm soát vừa quản lý xe cơ giới nhập khẩu. Đối với xe lắp ráp nhập khẩu, rồi lưu hành sẽ kiểm soát quy trình và quy chuẩn.

Tuy nhiên ông Kỳ Hình cũng thừa nhận còn băn khoăn là dẹp tổn thất cho nhà nhập khẩu buộc phải tái xuất, như vậy sẽ tốn kém, Trước 2014 chúng ta chưa thực hiện được kiểm soát tải trọng. Hiện nay, tất cả xe nhập về là ngoài kiểm soát trong tải trọng còn có nhiều biện pháp khác để kiếm soát chất lượng.

Mở ra những tín hiệu tích cực

Trước đó, VCCI đã có kiến nghị về sửa đổi Thông tư này, cụ thể đề nghị bỏ quy định thành phần hồ sơ phải có bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế VCCI cho biết đánh giá cao những tiếp thu của cơ quan soạn thảo đã có những thay đổi tích cực.

Cụ thể, ôtô nhập khẩu sẽ không cần phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Những rào cản về mặt giấy tờ nhập khẩu xe đã được phần nào gỡ bỏ.

Xe cơ giới chưa qua sử dụng cùng kiểu loại từng được đăng lý lưu hành tại các nước có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn mức hiện hành của Việt Nam (như EU, G7...); hoặc xe có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn quy định của Việt Nam, cùng kiểu loại đã được đăng ký lưu hành ở nước ngoài... sẽ không cần phải có bản chính 2 loại giấy nêu trên.

Những rào cản về mặt giấy tờ đã được phần nào gỡ bỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng nhất trí với việc hạ tầng quá tải, nhưng người vùng sâu vẫn được quyền sử dụng ô tô, cần có chính sách để có giá thành lợp lý. Hiện nay theo ông Đậu Anh Tuấn, giá phí ở các thành phố lớn, chảy vào ngân sách. “Người Việt hiện chỉ sử dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 có 2 túi khí thì không bao giờ phát triển được. Tiêu chuẩn thế nào phải rất rành mạch, nếu các doanh nghiệp lớn làm ăn gian dối cũng phải phạt nặng. Cần tạo sự bình đẳng, không phân biệt và phải đảm bảo lợi ích thị trường cao nhất”, Trưởng bản pháp chế VCCI nêu ý kiến.

Đánh giá chung dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới nhập khẩu, các đại biểu đều đồng tính với những thay đổi tích cực, sửa đổi hợp lý của Thông tư tạo chính sách cởi mở hơn cho xe nhập khẩu.

Điểm mới của Thông tư này là việc triệu hồi xe nhập khẩu nếu xe bị lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất. Điều này cũng thu hút sự chú ý của doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất vui khi cơ quan soạn thảo đã tiếp thu lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chúng tôi cần có những thông tin rõ hơn về quy định khí thải, quy định triệu hồi xe và những hướng dẫn để doanh nghiệp nhập khẩu dễ thở hơn”, đại diện công ty Công ty TNHH Thiên An Phúc cho hay.

Thông tư này có hiệu lực sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm ô tô nhập khẩu, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay. “Vấn đề quan trọng nhất doanh nghiệp là thời gian, đó là câu chuyện về vốn, lãi suất ngân hàng, chi phí nhân công, đi lại… nên Thông tư càng quy định rõ ràng, thủ tục giải quyết càng nhanh gọn, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí. Chúng tôi sẽ góp phần làm giảm giá thành giữa lắp ráp và nhập khẩu”, ông Trần Kỳ Hình nhấn mạnh.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/quy-dinh-nhap-khau-o-to-mo-ra-nhung-tin-hieu-tich-cuc-xe-co-the-giam-gia-thanh-2016091210535073p0c4.news