Quy định quay lại văn phòng bào mòn túi tiền của nhân viên

Chính sách quay lại văn phòng khiến không ít nhân viên phải thiết lập lại kế hoạch tài chính và bỏ ngân sách nhiều hơn cho các khoản đi lại, ăn uống, giao lưu với đồng nghiệp.

 Giới "cổ cồn trắng" hốt hoảng khi ngân sách vượt mức cho phép khi đi làm tại công ty. Ảnh: Pexels.

Giới "cổ cồn trắng" hốt hoảng khi ngân sách vượt mức cho phép khi đi làm tại công ty. Ảnh: Pexels.

Là một người trưởng thành, chưa lập gia đình và sống một mình trong căn hộ có ba phòng riêng biệt, Jessica Chou, nhà giám sát sản xuất cấp cao tại Wall Street Journal, nhận thấy sau khi đại dịch qua đi, làm việc tại nhà đã tiết kiệm cho cô rất nhiều về mặt tài chính.

Cô đã bỏ ra khoản tiền kha khá để biến ngôi nhà trở nên thoải mái và thiết kế không gian hiệu quả nhất có thể. Ngoài ra, Chou cũng mua thêm một ấm đun nước điện nhằm thỏa mãn sở thích pha cà phê vào buổi sáng và chiếc ghế dài để nằm trong khi chỉnh sửa tài liệu.

Bù lại chi phí đã mất, việc không phải đi lại và giao tiếp xã hội giúp cô tích cóp được 20-30% tiền lương của mình.

Tuy nhiên, khi nhận ứng tuyển vị trí mới, sếp yêu cầu Chou phải có mặt ở văn phòng 3 ngày/tuần thay vì thời gian linh hoạt như trước đây. Chiếc ví của nữ nhân viên bắt đầu “mỏng” dần.

Chi nhiều hơn khi quay lại văn phòng

“Lúc đầu, tôi nghĩ tình trạng này chỉ là tạm thời. Nhưng hóa ra, đây mới chỉ là bắt đầu khi hàng loạt khoản chi đổ ập đến. Tân trang lại tủ quần áo đi làm sau nhiều năm ở nhà không hề rẻ. Bộ sưu tập trang điểm hết hạn của tôi cần làm mới. Giao lưu với đồng nghiệp ở chỗ làm tốn ít nhất 3-4 USD/cốc cà phê.

River Nice, nhà lập kế hoạch tài chính ở Philadelphia (Mỹ), cho biết bất cứ khi nào có sự thay đổi trong cuộc sống hoặc công việc, ngân sách hàng tháng đều có thể chênh lệch. Điều đó dẫn đến những hạng mục cần chi mới.

Jessica Chou không đơn độc trong cuộc đấu tranh với bài toán chi phí khi trở lại văn phòng. Công việc từ xa (remote work) đã cho phép nhiều người tiết kiệm tiền bạc trong vài năm qua. Nhưng khi mọi thứ quay về như cũ, họ buộc phải ra ngoài và học cách lập kế hoạch tài chính.

Những người lao động trẻ tuổi khởi đầu sự nghiệp với remote work sẽ phải chi những khoản đầu tiên cho văn hóa công sở.

“Trước đây, bạn thiết lập sự hiểu biết của mình về cuộc sống khi làm việc tại nhà. Trong khoa học hành vi, chúng tôi gọi đó là hiệu ứng điểm tham chiếu. Tôi đoán là bây giờ số tiền mà bạn bỏ ra đang vượt quá mức cho phép”, Kathleen Vohs, giáo sư tiếp thị tại Đại học Minnesota, nhận định.

Những người lao động mới bắt đầu sự nghiệp sẽ phải học cách chi tiêu trong môi trường công sở. Ảnh: Maskot.

Chou cũng đồng tình với quan điểm này. Bằng chứng là hóa đơn thẻ tín dụng của cô ngày càng tăng và điều đó khiến cô hoảng loạn. Vì vậy, Chou đã bắt đầu ghi lại các khoản tiêu tiền hàng ngày để xem những gì nên cắt giảm, với hy vọng lấy lại quyền kiểm soát tài chính.

Nữ nhân viên văn phòng cho biết có một số thứ không thể tránh khỏi, chẳng hạn ngân sách dành cho phương tiện di chuyển tăng hơn gấp đôi khi đi làm, từ 60 USD/tháng lên 132 USD/tháng.

Cô cũng nhận thấy khoản tiền dành cho ăn ngoài đang “phình to” hơn. Với ít thời gian hơn để chuẩn bị bữa tối, Chou thường mua các suất ăn khoảng 10-15 USD.

“Có nhiều hôm tôi kết thúc một ngày bằng ly rượu vang để xoa dịu tâm trí. Việc đó không hề có trong kế hoạch. Không có sự sang trọng của chiếc ghế dài, nhà bếp và đồ chạy bộ, tôi tìm sự thoải mái thông qua các hoạt động chăm sóc bản thân, thứ mà trước đó từng không thích”.

Ly rượu đó là dấu hiệu của hạng mục chi tiêu thứ hai. Điều mà các chuyên gia tài chính gọi là “tiêu dùng bù đắp”.

Thay đổi cách chi tiêu

Kelly Goldsmith, nhà khoa học hành vi và giáo sư tại Đại học Vanderbilt, cho hay việc tạm dừng chi tiêu do đại dịch “có lợi về mặt tâm lý”.

Goldsmith trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng vào tháng 1/2023. Cô bắt đầu tiêu tiền cho bữa trưa và cà phê bên ngoài - những chi phí mà cô đã cắt giảm được trong kỷ nguyên “work from home”.

“Để duy trì sự tiết kiệm như trong đại dịch, tôi đã phải thay đổi cách tham gia và tương tác trực tiếp tại nơi làm việc. Thay vì ra ngoài quán cà phê, chúng tôi dùng đồ uống có sẵn trong tòa nhà hoặc hạn chế đi dạo để tránh những khoản phải quẹt thẻ”, nữ giáo sư chia sẻ.

Văn hóa công sở tốn kém khiến nhiều người phải cắt giảm sở thích của mình. Ảnh: Saveur.

Đối với Goldsmith, cô đã từ bỏ các thói quen cũ như đến dịch vụ làm đẹp, sơn móng tay, móng chân, mua bia đông lạnh từ siêu thị thay cho thức uống của Starbucks.

Còn với Jessica Chou, nhằm tránh tốn tiền cho bữa trưa, cô nấu đồ ăn sẵn cho cả tuần.

“Đôi khi nó chỉ là một nồi súp đậu lăng, nhưng cách đó vẫn hiệu quả. Nếu muốn sắm quần áo, tôi đặt nó trong danh sách chờ 7 ngày để cân nhắc kỹ lưỡng. Xác định lý do để mua thứ gì đó đã giúp tôi bỏ qua những khoản không cần thiết và biết cách xem xét thứ tự ưu tiên”, Chou nói.

Theo Goldsmith, quá trình chuyển đổi có thể trở nên dễ dàng hơn theo thời gian. “Cảm giác như nhảy vào gáo nước lạnh khi quay trở lại văn phòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó sẽ dần tốt lên khi chúng ta quen với điều đó”, cô bày tỏ.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quy-dinh-quay-lai-van-phong-bao-mon-tui-tien-cua-nhan-vien-post1432994.html