Quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19: Chủ động sống chung với dịch

Nghị quyết quy định tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19' của Chính phủ có nhiều nội dung mở rộng so với các chỉ thị trước đây, đề cao tinh thần sống chung, không e ngại, không sợ hãi trước dịch bệnh.

Phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất
Sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến nay vẫn liên tục xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã xác định sống chung an toàn với dịch, kể cả khi các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Tại nước ta, ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với 4 cấp độ. Quy định này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Người dân quét mã QR khai báo y tế khi đến siêu thị Hapro - BRG tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Người dân quét mã QR khai báo y tế khi đến siêu thị Hapro - BRG tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Nghị quyết nêu rõ khi áp dụng quy định mới, tạm thời không áp dụng các quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86 ngày 6/8/2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15 ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16 ngày 31/3/2020, Chỉ thị số 19 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng, Quyết định số 2686 ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Nghị quyết mới của Chính phủ đề ra mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Phù hợp thực tiễn, bảo đảm mục tiêu kép
Theo GS. Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời rất phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi hiện nay cả thế giới cũng như Việt Nam xác định chung sống với dịch bệnh trên tinh thần khoa học, chủ động các biện pháp phòng, chống lại dịch.
Nước ta đã trải qua 2 năm chống dịch với 4 đợt bùng phát, đến nay đỉnh dịch đã qua, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu, biết cách và ý thức hơn trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, số người được tiêm vaccine Covid-19 tăng lên rất nhiều. Với các địa phương có nguy cơ, dịch bệnh nặng nề như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã được tiêm vaccine với tỉ lệ cao. Hay với nơi trọng yếu như Hà Nội, đến nay 97,95% dân số trên 18 tuổi và 71,13% tổng dân số được tiêm vaccine mũi 1, đạt 47,4% dân số trên 18 tuổi và 34,4% tổng dân số được tiêm mũi 2.
Cùng với đó, trong 2 năm qua, cả thế giới chống dịch, đặc biệt, để trải qua đợt dịch thứ 4 này, Việt Nam đã phải tốn rất nhiều sức lực, tinh thần của cộng đồng, Nhân dân nói chung. Trong khi đó, nguồn lực về kinh tế… thực sự bị tổn hại nên chúng ta phải linh hoạt để điều chỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế trở lại, bảo đảm mục tiêu kép.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã thống nhất được các chỉ thị trước đó của Thủ tướng để người dân và cộng đồng dễ áp dụng, dễ hiểu hơn. Tiến bộ của Nghị quyết là xác định chúng ta chung sống với dịch trong điều kiện bình thường mới. Nghị quyết số 128 đánh giá đúng bản chất của dịch và quy mô các vùng dịch cũng đã cụ thể hơn, tinh thần của Nghị quyết mới là thực hiện cách ly ở phạm vi nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Huy Nga lưu ý, từ quy định chung của Chính phủ, dựa trên Nghị quyết này, các bộ phải nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để các địa phương đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. “Hy vọng các bộ cũng có quan điểm, hiểu rõ bản chất của dịch, tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại, làm ăn” - ông Nguyễn Huy Nga bày tỏ.
Doanh nghiệp có cơ hội phục hồi
Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài nhận xét, Nghị định 128 NĐ-CP sẽ tạo sự thống nhất giữa các địa phương trong việc thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Có thể nói Nghị định đã tạo điều kiện cho các DN du lịch lữ hành, khách sạn và những dịch vụ liên quan như vận chuyển, điểm đến có cơ hội hồi phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên dưới góc độ DN đây chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ bởi lẽ Nghị định 128 NĐ-CP chưa quy định rõ các địa phương phải đáp ứng những điều kiện như thế nào trong 4 cấp độ phòng chống dịch. Để khắc phục bất cập này rất cần thiết sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc xác định cấp độ chống dịch Covid-19, trong đó nên quy định rõ thời gian các địa phương thực hiện việc tự xếp cấp độ, hoặc các bộ ngành chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng chống dịch xác định địa phương đó hiện đang đứng ở cấp độ mấy trong 4 cấp độ dịch Covid-19.

“Việc xếp cấp độ phòng dịch Covid-19 của các địa phương rất quan trọng với ngành du lịch bởi lẽ DN lữ hành, khách sạn, điểm đến sẽ dựa vào đó xây dựng, triển khai kế hoạch hồi phục ngành du lịch trong thời gian tới”- ông Nguyễn Văn Tài cho biết.
Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường nhận định, Nghị định được ban hành rất phù hợp trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt. Nhiều hoạt động kinh doanh đã được hoạt động lại trong đó có thời trang may mặc. Việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mở ra điều kiện tốt cho các cá nhân, DN ổn định sản xuất trong thời điểm cuối năm thị trường may mặc vô cùng sôi động. Cụ thể, sau khi nghị quyết được ban hành, M2 Việt Nam nhanh chóng triển khai các kế hoạch hoạt động thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, bán hàng, M2 Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách hàng và người lao động.

“Hiện hơn 20 cửa hàng Thời trang M2 tại các tỉnh thành, DN dán các thông báo phòng chống dịch, QR Code khai báo y tế, vệ sinh không gian mua sắm thường xuyên, kiểm tra đảm bảo đúng yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Sau 2 tháng giãn cách xã hội do dịch bùng phát lần thứ tư, M2 Việt Nam đã chủ động chuẩn bị những kế hoạch phát triển mạnh mẽ, an toàn với dịch bệnh. Ngoài ra, sau khi mở cửa trở lại còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại cuối vụ hấp dẫn, chương trình tặng áo, kết hợp bán hàng online và offline... để thúc đẩy hàng hóa đưa Thời trang M2 hoạt động ổn định trở lại” - ông Nguyễn Hải Đường nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (Hanoisme) Mạc Quốc Anh đánh giá, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thực sự là động thái tiếp theo như luồng gió mới cho cộng đồng DN. Ông Mạc Quốc Anh nhận xét, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn đặt quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó ưu tiên tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh là hướng đi vô cùng đúng đắn. Đến nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát đã tạo cơ hội cho các DN trở lại sản xuất, kinh doanh, đóng góp và sự phục hồi kinh tế Việt Nam.

“Việt Nam có nhiều cơ hội để phục hồi nền kinh tế khi là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Điều này tạo cơ hội cho các DN Việt Nam trong việc xuất khẩu, tái chiếm lĩnh thị trường, giúp việc phục hồi kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn” - ông Mạc Quốc Anh tin tưởng. Đồng thời ông cũng cho rằng, kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine... cũng như sự nỗ lực của chính bản thân DN sẽ là tạo tiền đề cho kinh tế dần hồi phục.

"Nghị quyết 128/NQ-CP cơ bản sẽ giải quyết được những vấn đề tồn tại về tình trạng thiếu nhất quán trong quản lý giao thông vận tải diễn ra tại một vài địa phương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong thời gian cả nước đi vào thời kỳ “sống chung với dịch” cho đến khi tỷ lệ vaccine đạt độ bao phủ toàn dân, việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân cần phải được kiểm soát một cách chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên

Công Thọ - Khắc Kiên - Trần Thảo - Hoài Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/quy-dinh-tam-thoi-thich-ung-an-toan-linh-hoat-kiem-soat-hieu-qua-dich-covid-19-chu-dong-song-chung-voi-dich-437906.html