Quy định thời hạn gắn biển số trúng đấu giá, liệu có làm giảm giá trị?

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về trình tự, thủ tục, nội dung liên quan thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và chuyển đến Bộ Tư pháp thẩm định.

Đáng chú ý, tại dự thảo nghị định này, Bộ Công an đề xuất, người trúng đấu giá biển số, trong vòng 12 tháng phải gắn lên ô tô và phải có văn bản đề nghị Bộ Công an gia hạn, nếu có trường hợp bất khả kháng chưa gắn lên xe.

Việc yêu cầu người trúng đấu giá biển số đẹp phải gắn biển lên xe trong hạn định có làm giảm giá trị của biển số? Điều này có làm phát sinh cơ chế xin – cho? PV VOV Giao thông thông đối thoại với chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo xung quanh nội dung này.

(Ảnh minh họa)

PV: Theo ông, đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo Nghị định về đấu giá biển số xe, trong vòng 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá biển số, nếu không đăng ký trên một phương tiện nhất định thì sẽ phải báo cáo Bộ Công an về những lý do bất khả kháng chưa kịp đăng ký. Ông có ý kiến như thế nào về đề xuất này?

Chuyên gia Khương Kim Tạo: Đề xuất đấy lại mang tính chất xin - cho. Ví dụ người ta đấu giá được một biển số xe, xong rồi đến hết hạn 12 tháng lại phải làm giấy để trình báo cơ quan Nhà nước để xem xét, để có thể được gia hạn hay không được gia hạn. Cái đấy lại mang tính chất xin - cho. Thủ tục phiền hà, mà lý do thì nó vô cùng. Cho nên tôi thấy chúng ta nên học tập cách quản lý biển số đấu giá của Đức.

Bên Đức người ta quy định thế này: người trúng biển số đấu giá được phép sử dụng cho chính xe của bản thân mình, không được bán đi, không được cho người khác. Thứ 2 là khi biển số đó không được gắn lên xe thì phải nộp tiền, gọi là tiền nuôi biển số. Tiền nuôi biển số có thể chúng ta quy định tùy ý, có thể mỗi tháng 2 triệu, mỗi tháng 5 triệu…

Mỗi tháng phải nộp thêm tiền vào nếu không gắn biển số lên xe. Nếu người ta cứ thích giữ cả đời người ta, mỗi tháng 5 triệu, một năm là 50 triệu, còn nếu tháng nào không nộp thì sau 2 tháng thì chúng ta tiến hành hủy biển số ấy đi và lại đấu giá cho người khác.

Như thế không phải xin - cho, mà lại thúc ép cho người có biển số phải nhanh chóng gắn biển số vào xe. Như vậy nếu người ta không có xe, người ta cũng không đấu giá làm gì.

PV: Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Công an cũng đề xuất biển số không được cho, tặng, thừa kế? Điều này liệu có làm giảm giá trị của biển số hay không?

Chuyên gia Khương Kim Tạo: Biển số của chúng ta chỉ gắn với xe và gắn với người, tại sao chúng ta lại cho biển số cho người khác? Biển số để quản lý mà.

Đây gọi là biển đăng ký xe cơ mà, tức là cái biển đó nó gắn liền với xe hoặc gắn liền với một con người. Vậy thì chúng ta chỉ có thể cho gắn với xe, cho gắn với người chứ sao lại chuyển người sang người. Làm thế làm sao mà quản lý được phương tiện, làm sao quản lý được biển số.

Bởi vì mỗi biển số đó lại gắn liền với một trách nhiệm về xã hội, mai kia chúng ta dùng camera giám sát, thì xe có vấn đề gì người ta còn truy ra chủ xe chứ.

Chúng ta phải xác định biển số xe là công cụ để quản lý xe, chứ không phải biển số xe là tài sản, mặc dù anh bỏ tiền ra để đấu giá để anh có quyền sử dụng. Có quyền sử dụng chứ không phải có quyền sở hữu. Chúng ta phải tách bạch nó ra, sở hữu và sử dụng nó khác nhau. Anh sở hữu anh mới có quyền bán, mới có quyền cho tặng.

Biển số xe nó không phải là tài sản để chúng ta có quyền cho tặng được, mà ở đây anh bỏ tiền ra là anh mua về để anh sử dụng thôi. Sinh ra biển số trên thế giới là công cụ để quản lý ô tô cơ mà, mà phá vỡ công cụ quản lý thì coi như là mất giá trị của biển số thì còn sinh ra biển số để làm gì.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Quách Đồng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quy-dinh-thoi-han-gan-bien-so-trung-dau-gia-lieu-co-lam-giam-gia-tri-post1019633.vov