Quy định thời hiệu về thừa kế trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi phù hợp với thực tiễn xã hội

Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định mới về thời hiệu thừa kế được dư luận đồng tình. Thay vì từ chối, tòa vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố đương sự được hưởng quyền dân sự hay miễn trừ nghĩa vụ dân sự…

Quyền thừa kế là vấn đề quan trọng trong cuộc sống, vì vậy trong thực tiễn xã hội hiện nay, việc tranh chấp thừa kế phức tạp và dai dẳng hiện đang là vấn đề pháp lý và xã hội đáng quan tâm, trong đó có nội dung liên quan đến thời hiệu về thừa kế.

Quy định về thời thiệu thừa kế, Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".

Theo quy định này, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác. Và sau thời hạn là 3 năm, cá nhân, tổ chức không còn quyền khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.

Quy định trên đang tồn tại một bất cập là có nhiều tài sản thừa kế bị tranh chấp nhưng do hết thời hiệu khởi kiện nên bị "treo" và người thừa kế tài sản không thể đăng ký quyền sở hữu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như người thừa kế không nắm rõ các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, xuất phát từ tình cảm gia đình, họ tộc, do điều kiện khách quan, trong đó có nguyên nhân là xuất phát từ sự ràng buộc về đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bởi, theo đạo lý, truyền thống dân tộc Việt Nam thì con cái không dám yêu cầu chia thừa kế khi cha hoặc mẹ còn sống hoặc cha, mẹ qua đời trong thời gian ngắn vì sợ rạn nứt tình cảm gia đình hoặc dư luận xã hội chê trách khi đề cập đến vấn đề chia thừa kế trong gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì việc chia thừa kế phải tuân theo thời hiệu do pháp luật quy định.

Chính vì Bộ luật Dân sự hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế quá ngắn (10 năm) nên buộc các con phải lựa chọn: Yêu cầu giải quyết thừa kế trong thời hiệu và mang tiếng con, em bất hiếu tranh giành của cải cha mẹ, làm sứt mẻ tình cảm gia đình hoặc chấp nhận có thể mất quyền khởi kiện vì hết thời hiệu theo quy định.

Khắc phục những khiếm khuyết này, dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định thời hiệu về thừa kế theo hướng xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận. Vì vậy, việc hết thời hiệu khởi kiện không có nghĩa là mất quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án như trước đây. Đây chính là điểm mới, tiến bộ, tiếp cận theo xu hướng hội nhập về thời hiệu nói chung và thời hiệu về quyền thừa kế nói riêng.

Theo dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, đối với việc xác định thời hiệu liên quan đến sở hữu bất động sản là 30 năm, còn động sản là 10 năm, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định riêng (Điều 177, 178). Điểm mới đáng lưu ý trong thời hiệu về thừa kế là quá thời hạn trên, nếu di sản đang thuộc người thừa kế quản lý thì thuộc quyền sở hữu của họ.

Nếu người quản lý di sản không phải là người thừa kế thì phân thành 2 trường hợp: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp pháp luật thì họ trở thành chủ sở hữu; nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản thì di sản thuộc về Nhà nước.

Với quy định này, sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong giải quyết tranh chấp thừa kế hiện nay. Đồng thời, quy định này cũng hạn chế tình trạng Tòa án có thể căn cứ vào thời hiệu mà từ chối yêu cầu giải quyết sự việc, góp phần cụ thể hóa và triển khai thi hành Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp năm 2013, theo đó, "Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Điều 646 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định:

"1. Thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

2. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai nếu việc chiếm hữu, được lợi phù hợp với quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản theo quy định tại điểm a khoản này".

Nguyễn Hạnh Ngân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quy-dinh-thoi-hieu-ve-thua-ke-trong-du-thao-bo-luat-dan-su-sua-doi-phu-hop-voi-thuc-tien-xa-hoi/