Quy định về giải quyết các chế độ BHXH; chi trả các chế độ BHXH, BHTN

Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2689/QĐ-BHXH quy định về giải quyết các chế độ BHXH; chi trả các chế độ BHXH, BHTN.

Theo quy định này, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn, giải đáp cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động, thân nhân của người lao động về chế độ, chính sách BHXH và việc kê khai, lập hồ sơ theo đúng quy định.

Trường hợp hồ sơ thiếu thông tin phục vụ công tác quản lý người hưởng (địa chỉ không chi tiết, không có số điện thoại, thông tin về tài khoản không đầy đủ...) thì đề nghị đơn vị hoặc người lao động bổ sung đủ thông tin vào mẫu số 14-HSB trong trường hợp thành phần hồ sơ có đơn hoặc bổ sung vào phiếu tiếp nhận, trả kết quả hoặc bổ sung tờ khai TK1-TS.

Thực hiện số hóa hồ sơ giấy đã tiếp nhận (trừ sổ BHXH) để cập nhật vào Hệ thống và chuyển Bộ phận Chế độ BHXH; lưu trữ hồ sơ giấy đã tiếp nhận từ người lao động, thân nhân người lao động, đơn vị SDLĐ và từ Bộ phận Chế độ BHXH (trừ sổ BHXH trong trường hợp hưởng chế độ TNLĐ, BNN).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với thành phần hồ sơ mà không phải là bản chính, khi tiếp nhận bản sao chưa được chứng thực, công chứng thì viên chức tiếp nhận hồ sơ phải đối chiếu với bản chính, đồng thời, xác nhận trên các trang của bản sao “đã đối chiếu với bản chính”, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm xác nhận để trả lại bản chính cho người nộp. Trường hợp hồ sơ giải quyết chế độ BHXH của người lao động do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hồ sơ ốm đau, thai sản, dưỡng sức thực hiện theo quy định tại điểm 2 Điều 4; Hồ sơ TNLĐ, BNN, hưu trí, tử tuất thực hiện theo quy định tại điểm 1.2 Điều 6 ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH, ngày 31-1-2019, của BHXH Việt Nam; các thành phần hồ sơ, mẫu hồ sơ do cơ quan BHXH lập hoặc ban hành là bản chính. Trường hợp giao dịch điện tử thì thực hiện theo Nghị định số 166/2016/NĐ-CP và Quyết định số 838/QĐ-BHXH.

Khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH phải đối chiếu sổ BHXH với cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ; Trường hợp đã được giải quyết hưởng BHXH mà điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH liên quan đến cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ thì căn cứ cơ sở dữ liệu và sổ BHXH đã được điều chỉnh để thực hiện việc điều chỉnh, hủy, chấm dứt hưởng BHXH theo quy định.

Khi giải quyết hưởng BHXH mà hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH do ngành y tế hoặc các ngành khác cấp theo quy định thì phải đối chiếu với cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu có liên quan khác (nếu có). Trường hợp giải quyết chậm hơn so với thời hạn quy định hoặc không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Trong quá trình giải quyết hưởng và chi trả các chế độ BHXH nếu phát hiện hồ sơ giả, hồ sơ có dấu hiệu gian lận tại khâu nghiệp vụ nào thì bộ phận nghiệp vụ tại khâu đó có trách nhiệm chủ trì để phối hợp với các bộ phận liên quan báo cáo Giám đốc BHXH Thành phố/huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do các ngành khác đã giải quyết và bàn giao sang cơ quan BHXH quản lý, chi trả thì việc điều chỉnh, chấm dứt hưởng phải căn cứ trên cơ sở quyết định, kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp giải quyết không đúng chế độ BHXH dẫn đến chi trả không đúng đối tượng hoặc nhiều hơn mức quy định thì số tiền chi trả sai phải được thu hồi đầy đủ theo nguyên tắc sai sót ở khâu nghiệp vụ nào thì bộ phận và cá nhân thực hiện nghiệp vụ ở khâu đó có trách nhiệm thu hồi; trường hợp không thu hồi được số tiền đã chi trả, thì bộ phận, cá nhân có liên quan để xảy ra sai sót có trách nhiệm bồi hoàn đầy đủ số tiền không thu hồi được theo quy định của pháp luật.

HP

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quy-dinh-ve-giai-quyet-cac-che-do-bhxh-chi-tra-cac-che-do-bhxh-bhtn-160732.html