QUY ĐỊNH VỀ LƯU CHIỂU, LƯU TRỮ PHIM TRONG LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI) PHẢI PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Công tác lưu chiểu, lưu trữ có vai trò quan trọng trong hoạt động của ngành điện ảnh. Để nâng cao hiệu quả của công tác này, tại Hội nghị tham vấn chuyên gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung một số điều khoản cụ thể trong công tác lưu chiểu, lưu trữ cho phù hợp với thực tiễn.

 ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Từ năm 2006 đến nay dựa trên các quy định của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29/06/2006; Luật sửa đổi 31/2009/QH12 ra ngày 18/6/2009, những quy định về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất phim, cơ sở nhập khẩu phim, tạo cơ sở pháp lý để Viện Phim Việt Nam thuận lợi triển khai công tác thu nhận phim lưu chiểu, lưu trữ.

Ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, khi công nghệ sản xuất phim Kỹ thuật số dần thay thế cho phim nhựa thì việc tiếp nhận phim, đặc biệt là phim truyện Việt Nam lại càng trở nên khó khăn hơn. Các phim khi xin cấp giấy phép phổ biến, nộp lưu chiểu đều có mã khóa (có thời hạn), khi nộp cho Viện phim nếu không có mã khóa để mở dẫn đến việc không đọc được nội dung, không kiểm tra được tình trạng kỹ thuật nên không có giá trị lưu trữ. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng như hiện nay, trong vòng từ 10 đến 20 năm tới kho lưu trữ hình ảnh động quốc gia - Viện Phim Việt Nam sẽ thiếu hụt nghiêm trọng phim điện ảnh của Việt Nam trong hệ thống lưu trữ quốc gia.

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho rằng: Một số quy định trong Luật Điện ảnh ban hành năm 2006 về lưu chiểu, lưu trữ phim hiện có nhiều điều khoản không còn phù hợp với sự phát triển và thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn ngành điện ảnh trong những năm qua. Bên cạnh đó, Luật Điện ảnh ra đời từ năm 2006 nhưng đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể vì vậy công tác lưu chiểu, lưu trữ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Ngoài ra, trong các quy định tại Luật Điện ảnh về lưu chiểu, lưu trữ chwua có các điều khoản nhằm ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi của các đơn vị sản xuất phim Việt Nam với các cơ sở lưu trữ, làm giảm tính hiệu quả của Luật.

Để giúp công tác lưu chiểu, lưu trữ thực sự hiệu quả, trên cơ sở tình hình thực tế trong trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về công tác lưu chiểu, lưu trữ:

Thứ nhất, đề nghị bổ sung tại quy định về việc nộp liêu chiểu trong Luật Điện ảnh:

. Với phim Việt Nam, yêu cầu mở khóa khi nộp lưu chiểu (khi phim được giao nhận cho Viện lưu trữ sẽ là tài sản của nhà nước, bản phim được xem nội dung và làm hồ sơ, đánh số lưu trữ, vậy không mở mã kháo thì không đúng giá trị lưu trữ).

. Đối với phim nhập khẩu (phim nước ngoài), bỏ yêu cầu đưa phim về cơ sở lưu trữ phim, các phim này chỉ có trách nhiệm nộp lưu chiểu cho cơ quan cấp phép phổ biến.

Thứ hai, bổ sung thêm các loại vật liệu nộp lưu trữ, lưu chiểu cho phù hợp với xu hướng làm phim kỹ thuật số hiện nay và trong tương lai.

Thứ ba, đề nghị bổ sung các điều khoản nhằm ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi của các đơn vị sản xuất phim Việt Nam với các cơ sở lưu trữ.

Thứ tư, bổ sung nhiệm vụ Viện Phim Việt Nam là đơn vị quay các tư liệu hình ảnh động đối với các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các hoạt động Văn hóa, xã hội để bổ sung cho kho tư liệu lưu trữ Quốc gia.

Thứ năm, đề nghị quy định Viện phim Việt Nam là đơn vị duy nhất thay mặt nhà nước quản lý và khai thác bản quyền các tư liệu hình ảnh động do nhà nước đặt hàng đầu tư sản xuất đang được lưu trữ tại Viện.

Ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam nhấn mạnh, việc bổ sung các quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) cho phù hợp với những thay đổi của tình hình hiện này là việc vô cùng cần thiết và cấp bách. Qua đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về Điện ảnh và cơ sở lưu trữ phim sẽ có căn cứ pháp lý phù hợp, mang lại lợi ích và hiệu quả trong quản lý nhà nước, làm giàu cho kho lưu trữ, bảo quản tư liệu hình ảnh động quốc gia./.

Lê Anh - Lê Na

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=54500