Quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế

Ngày 24-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hai Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Đa số các đại biểu bày tỏ thống nhất việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai Luật, nhằm điều chỉnh hai lĩnh vực quan trọng khác nhau là trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội và xây dựng, phát triển quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, thuộc lĩnh vực kinh tế kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), khi xây dựng được hai luật này còn nhiều điều khó khăn, cần phải phân biệt rất rõ để chuyển sang một luật hay để tồn tại trong hai luật. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.

Đối với quy định về cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa thông qua phần mềm kết nối với hành khách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, Quốc hội vừa thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã có quy định về nền tảng số trung gian. Đây là một nền tảng chủ quản độc lập với các bên thực hiện giao dịch. Quy định này cho thấy sự tách biệt rõ rệt giữa các chủ thể khác nhau trong một giao dịch thương mại điện tử diễn ra trong môi trường mạng: Chủ thể nền tảng số trung gian, người cung cấp dịch vụ hàng hóa và khách hàng. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đối tượng trực tiếp vận tải hành khách. Còn trách nhiệm, nghĩa vụ đối với chủ quản nền tảng số trung gian cần được quy định vào một điều khác phù hợp hơn.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng để chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Về vấn đề chung như nội hàm phạm vi điều chỉnh, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát, chỉnh lý dự án Luật đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp và thuận lợi trong áp dụng pháp luật.

Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đa số các đại biểu thống nhất đánh giá, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, tuy nhiên nhiều quy định bộc lộ rõ hạn chế, bất cập, không đáp ứng của yêu cầu công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án luật, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, quy định nghiêm cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên thực tế còn có mặt chưa phù hợp khi nhìn dưới góc độ của văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cả về góc độ sinh học và về góc độ người kiểm soát giao thông, người bị kiểm soát lưu thông không thống nhất quan điểm về việc có hay không có uống rượu, bia trước khi lái xe. Do đó, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, có các chứng cứ khoa học để bảo đảm tính khả thi.

Làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng hợp cho thấy, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đối với những nội dung đã được đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ nhằm tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, khả thi.

B.T – TTXVN

Sáng 24-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với 473/468 phiếu tán thành (tương đương 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội).Chiều cùng ngày, với 470/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,14%), Quốc hội đã thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quy-dinh-ve-nong-do-con-khi-tham-gia-giao-thong-can-phu-hop-voi-dieu-kien-thuc-te-post286986.html