Quy định về sa thải người lao động

Hỏi: Tôi là lái xe, có ký hợp đồng lao động không xác định thờ hạn tại một công ty vận tải. Tháng vừa rồi, vì một số lý do cá nhân nên tôi bỏ việc 6 ngày mà không xin phép công ty. Khi tôi quay lại làm việc, tôi bị công ty sa thải với lý do là tôi tự ý bỏ việc nhiều ngày mà không xin phép công ty. Xin luật sư cho biết, Công ty sa thải tôi như vậy có đúng luật không? (Ngô Trung Hiếu - Nam Đồng, Hà Nội)

Trả lời:

Theo Bộ luật Lao động năm 2012, khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động, tùy vào mức độ vi phạm, người lao động có thể bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động như: Khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức hoặc sa thải.

Sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất được áp dụng đối với người lao động. Theo quy định tại Khoản 3 điều 126 Bộ luật Lao động 2012, hướng dẫn tại Điều 31, Nghị định 05/2015/NĐ-CP, sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

Điều 31. Kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc

1. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng đồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

2. Người lao động nghỉ việc có lý do chính đáng trong các trường hợp sau: a) Do thiên tai, hỏa hoạn; b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; c) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Đối chiếu quy định trên, Công ty sa thải bạn là có cơ sở vì bạn đã tự ý bỏ việc, không có lý do chính đáng 6 ngày/1 tháng (Trừ trường hợp bạn chứng minh được bạn nghỉ việc là có lý do chính đáng, thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP). Khi áp dụng hình thức kỷ luật lao động sa thải, Công ty cần tuân thủ các nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012 hướng dẫn tại Điều 30, Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Văn phòng luật sư số 5 – Đoàn luật sư TP Hà Nội

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quy-dinh-ve-sa-thai-nguoi-lao-dong-78193.html