'Quý hồ tinh bất quý hồ đa'

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Năm 2018, số DN tạm ngừng hoạt động lên tới 90.651, tăng 49,67% so với năm 2017. Quý đầu tiên của năm nay, có thêm 30.000 DN phải tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể, trong đó hơn 90% là các DN siêu nhỏ, nhỏ với quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã có không ít chính sách, biện pháp hỗ trợ phát triển DN nhỏ va vừa (DNNVV). Mới đây có thể kể đến như, Bộ Tài chính công bố dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế Thu nhập DN hỗ trợ, phát triển DNNVV. Theo đó, DNNVV có thể được giảm thuế suất thuế Thu nhập DN xuống còn 15-17% (từ mức 25% áp dụng trước 1/7/2013 và 20% từ 1/7/2013).

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra không ít chính sách, đề án hỗ trợ DNNVV, tập trung vào những nội dung như phí, thuế, hỗ trợ tư vấn, pháp lý,... Đáng chú ý, các đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, Trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia hay Chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0... cũng đặt trọng tâm vào khu vực DNNVV. Không ít chuyên gia nhìn nhận: Về mặt chính sách, gần như Việt Nam có tất cả các loại hình hỗ trợ DNNVV tốt nhất.

Nhìn vào "rừng" chính sách hỗ trợ và thực tế hoạt động của DN, có thể thấy, dường như các chính sách hỗ trợ DNVVN ở hiện tại chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Năm 2018, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đã đánh giá phạm vi và mức độ thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV của các nước ASEAN trên tám cấu phần: Năng suất, công nghệ và sáng tạo; chính sách môi trường; tiếp cận tài chính; tiếp cận thị trường và quốc tế hóa; khuôn khổ thể chế cho DNNVV; luật pháp, quy định và thuế; giáo dục khởi nghiệp và kỹ năng; DN xã hội và phát triển bao trùm. Kết quả cho thấy: Việt Nam đạt điểm chỉ số chính sách hỗ trợ DNNVV thấp hơn mức trung bình của ASEAN trong 7 trên 8 cấu phần.

Ở Việt Nam hiện nay, tới 98% là DNNVV. Với lực lượng đông đảo, DNNVV là bộ phận quan trọng và có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Bởi vậy, hỗ trợ để thúc đẩy phát triển DNNVV, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để khâu hỗ trợ này thực sự phát huy hiệu quả, thời gian tới các chính sách nên được xoay chuyển, thiết kế theo hướng "quý hồ tinh bất quý hồ đa”, ít mà chất lượng thay vì dàn trải. Đặc biệt, ngoài dựng xây chính sách, mấu chốt là cần đẩy mạnh khâu thực thi, hiện thực hóa chính sách trong thực tế.

Đương nhiên, từ góc độ của mình, bản thân các DNNVV cũng cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị DN; đẩy mạnh khâu phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Đức Phong

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/quy-ho-tinh-bat-quy-ho-da-103724.html