Quy hoạch bến, bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu phát triển

Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7, HÐND thành phố Hà Nội khóa 15, đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Tại tờ trình của UBND thành phố, các bến xe mới sẽ được xây dựng bên ngoài vành đai 3, các bến xe cũ hiện nay sẽ được thay đổi công năng theo lộ trình thích hợp. Theo đó, thành phố sẽ quy hoạch mới bảy bến xe khách liên tỉnh, gồm: bến xe phía bắc, bến xe khách Ðông Anh, bến xe Cổ Bi, bến xe khách phía nam, bến xe khách Yên Nghĩa, bến xe khách phía tây và bến xe khách phía tây bắc. Bốn bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm gồm Gia Lâm, Mỹ Ðình, Giáp Bát, Nước Ngầm tạm thời được giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có. Trong giai đoạn trung hạn, thành phố sẽ xây dựng bến xe khách Yên Sở, diện tích khoảng 3,4 ha tại quận Hoàng Mai để hỗ trợ các bến xe hiện có. Về lâu dài, các bến xe khách Yên Sở, Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe công cộng. Mạng lưới bãi đỗ xe được quy hoạch có tổng diện tích 1.805,7 ha (trong đó có 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung với 1.197,8 ha ; 17,7 ha là bãi đỗ xe trung chuyển; 590,2 ha là bãi đỗ xe buýt và xe tải).

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Ðồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng theo tiêu chí bền vững, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe của người dân, thân thiện với môi trường, từng bước góp phần giảm ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông. Qua đó, góp phần đồng bộ với hạ tầng giao thông vận tải, bảo đảm phát triển đô thị bền vững.

Dù nhận được nhiều phản hồi tích cực về quan điểm và mục tiêu quy hoạch, song có không ít ý kiến băn khoăn trước đề xuất đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra đường vành đai 4. Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo, Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra đường vành đai 4, mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thực hiện, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Bên cạnh việc xây mới các bến xe liên tỉnh, thành phố cần quy hoạch giữ ổn định và nâng cấp hiện đại hóa các bến xe hiện có nằm từ vành đai 3 trở ra (như bến xe Mỹ Ðình, Nước Ngầm...) bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Trên thực tế, những năm gần đây thành phố Hà Nội dù đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tổ chức phân luồng, song các bến xe khách vẫn luôn là điểm "nóng" về ùn tắc giao thông mỗi dịp lễ, Tết và thành phố vẫn thiếu nghiêm trọng các điểm dừng, đỗ xe, các trạm đầu mối trung chuyển hành khách. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Ðồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vô cùng cần thiết. Ðiều quan trọng là, bên cạnh việc xây mới các bến xe, điểm đỗ, trạm dừng nghỉ, thành phố cần phát huy hiệu quả tối đa các bến xe hiện có, tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng quỹ đất của thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38328402-quy-hoach-ben-bai-do-xe-dap-ung-nhu-cau-phat-trien.html