Quy hoạch bờ kè, đất ven sông hiệu quả

TP HCM cần có chuyên đề nghiên cứu sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch bờ kè và sử dụng đất ven sông

Ngày 10-9, UBND TP HCM tổ chức hội thảo "Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành; các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025".

Không để dự án nhà ở lấn sông Sài Gòn

Trong tổng diện tích 2.095 km2 của TP HCM, đến 1.331 km2 có độ cao dưới 1,5 m so mực nước biển. Địa hình thấp, TP đang chịu tác động trực tiếp từ thủy triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập.

"Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống ngập nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn bởi khi xóa được điểm ngập này thì lại xuất hiện điểm ngập mới" - ThS-KTS Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM, nêu rõ.

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, cuối năm 2018, cả tuyến sông Sài Gòn có 84 dự án đầu tư xây dựng thì có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông. Gần một nửa trong số đó đã có quyết định cưỡng chế, yêu cầu phải tháo dỡ nhưng đến tháng 4-2019, nhiều chủ đầu tư vẫn không thực hiện với lý do các căn biệt thự đã được sang tay nhiều đời chủ.

"Tình trạng lấn chiếm sông rạch nêu trên ngoài do công tác quản lý đô thị "có vấn đề" phải chăng có một phần nguyên nhân xuất phát từ thiếu vắng một đề án quy hoạch tổng thể bờ sông, kênh nội thành nhằm bảo đảm về thống nhất tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông? Chúng ta không thể cứ giao đất cho doanh nghiệp để họ toàn quyền xây dựng mà cần có kịch bản quy hoạch ven sông Sài Gòn" - ThS-KTS Ngô Anh Vũ nhận định.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, TP đã thực hiện thành công nhiều dự án chỉnh trang kênh, rạch, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch, khôi phục dòng chảy… làm thay đổi diện mạo đô thị, môi trường sống và "đổi đời" cho hàng chục ngàn hộ gia đình.

Tuy nhiên, TP chưa có quy hoạch bờ kè theo từng đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (đoạn từ huyện Nhà Bè đến quận 9) và sông, rạch, kênh thuộc khu vực nội thành để làm căn cứ lập kế hoạch thực hiện kè bờ theo từng giai đoạn, kết hợp với nắn lại mép bờ cao sông, rạch. Chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành và nhất là tại những vị trí nguy cơ bị sạt lở.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch để thực hiện thống nhất. Rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông, rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành, không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn sông Sài Gòn hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở.

Bờ kênh Tân Hóa - Lò GốmẢnh: HOÀNG TRIỀU

Bờ kênh Tân Hóa - Lò GốmẢnh: HOÀNG TRIỀU

Kêu gọi đầu tư, mạnh dạn xã hội hóa

Trong bài tham luận tại hội nghị, TS-KTS Lê Văn Năm và ThS-KTS Huỳnh Xuân Thụ (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM) đề xuất đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của hệ thống sông, rạch vào sự phát triển của TP. Tạo các cơ chế chính sách khuyến khích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của kênh, rạch vào cuộc sống đô thị. Tăng thêm mức đầu tư từ ngân sách TP cho các công tác liên quan đến bảo vệ, cải tạo, chỉnh trang và phát huy lợi thế sông rạch.

Theo ThS Lưu Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM, để tháo gỡ khó khăn hiện nay cũng như giải quyết sự thiếu hụt vốn đầu tư, giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần mạnh dạn xã hội hóa và kêu gọi đầu tư từ thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước.

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP cần chuyên đề nghiên cứu sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy hoạch làm kè, sử dụng đất ven sông. TP cần phối hợp với các chuyên gia mô phỏng tình trạng ngập nước và thoát nước TP, đồng thời khẳng định lại giải pháp vĩ mô về chống ngập. Làm rõ những giải pháp kỹ thuật tiến bộ xây kè bờ sông, kinh nghiệm các mô hình hợp tác giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Định hướng phân loại chức năng hệ thống sông, kênh, rạch TP.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị cần tìm hiểu một số bài học mô hình TP làm bờ kè có những khó khăn, thuận lợi gì. Từ thực tế trên, TP rà soát những vấn đề không hợp lý, xung đột để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, từ nay đến năm 2025, TP HCM sẽ cơ bản hoàn thành hệ thống kè bờ sông Sài Gòn kết hợp xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn phạm vi từ ngã ba Đèn Đỏ đến ranh giới rạch Vĩnh Bình (tiếp giáp Bình Dương) có chiều dài 47 km đường sông (74 km đường bờ) trên địa bàn các quận 7, 4, 1, 2, 9, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh.

Xây dựng kè và di dời nhà ven và trên kênh trên các tuyến tập trung dân cư sinh sống dọc ven và trên kênh, rạch theo mô hình các dự án đã triển khai trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Bến Nghé, trong đó tập trung chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh Tẻ (quận 4, 7), kênh Đôi (quận 8), sông Vàm Thuật, rạch Xuyên Tâm...

TRƯỜNG HOÀNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/quy-hoach-bo-ke-dat-ven-song-hieu-qua-20190910224358608.htm