Quy hoạch cao tầng sát cao tầng khiến cư dân bức xúc, khiếu kiện

Việc điều chỉnh quy hoạch thiếu khoa học và không vì lợi ích chung, gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện đông người.

Tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM đã có tình trạng “bùng nổ” xây dựng các tổ hợp cao tầng hỗn hợp tại khu vực trung tâm. Đây là loại hình công trình có mức độ tập trung người và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng. Đó là hậu quả của việc thiếu khoa học cùng với sự quản lý yếu kém trong công tác xây dựng tại 2 thành phố này. Điều đáng nói là hàng loạt các dự án điều chỉnh quy hoạch không vì lợi ích chung, gây bức xúc trong nhân dân, thậm chí có nơi khiếu kiện đông người.

Hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên dày đặc các tuyến đường có vị trí đắc địa của Thủ đô Hà Nội. Rất nhiều dự án được điều chỉnh quy hoạch đã làm cho hệ thống hạ tầng bị quá tải nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là việc điều chỉnh quy hoạch hàng loạt dự án nhà cao tầng của Hà Nội có vì lợi ích của người dân?

Khu đô thị Nam Thăng Long, hay còn gọi là khu Ciputra, Hà Nội được triển khai xây dựng từ những năm 2000. Khi mới được triển khai, chủ đầu tư, cũng là đơn vị trực tiếp bán căn hộ, nhà phố quảng cáo đây là nơi đáng sống nhất Thủ đô. Cũng vì vậy, giá mỗi căn nhà trong khu vực này lên đến cả chục tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, tại Khu đô thị Ciputra có nhiều dự án thành phần đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: Reatimes.

Từ năm 2016 đến nay, tại Khu đô thị Ciputra có nhiều dự án thành phần đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Ảnh: Reatimes.

Mới đây, chủ đầu tư khu Ciputra xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch và đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 theo hướng nâng lên đến 20 tầng và tăng mật độ xây dựng. Sự việc đã gây bức xúc đối với người dân đang sinh sống trong khu vực này. Các hộ dân đã đồng loạt ký tên phản đối và gửi đơn tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ban ngành đề nghị dừng việc điều chỉnh.

Người dân cho rằng, chủ đầu tư đã lừa dối người mua nhà khi biến một khu đô thị hiện đại, “đáng sống” nhất thủ đô thành một khu toàn nhà chọc trời. Hơn nữa việc điều chỉnh quy hoạch này là vì lợi ích nhóm của nhà đầu tư không phải vì lợi ích của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hiền, một người dân đang sống trong khu đô thị này cho biết, mật độ dân cư ở trong khu đô thị đã có quy định chuẩn, nếu tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến giao thông, cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng. “Chắc chắn người dân ở đây sẽ không đồng ý vì ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng”, bà Hiền nói.

Điều đáng nói là từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần này, người dân lại phát lộ ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất mà không lấy ý kiến người dân và vẫn được cơ quan chức năng “hợp thức hóa”.

Theo văn bản 428 (ngày 23/1/2019) của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội gửi UBND Thành phố về việc, Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đề nghị điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số ô đất thuộc Khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 cho biết, trước đó có nhiều ô đất đã được điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ dân số có ô đất tăng tới gần 5.000 người.

Một dự án lớn khác của Hà Nội là khu Đoàn ngoại giao vừa qua cũng bị cư dân xuống đường, căng băng rôn, tuần hành quanh khu đô thị để thể hiện sự bức xúc, không đồng ý việc thay đổi quy hoạch. Việc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) – chủ đầu tư thất hứa trả sổ đỏ dù có tòa nhà, người dân đã về ở 3-4 năm nay. Trong dự án này, hạ tầng khu đô thị còn nhếch nhác, chưa hoàn thiện.

Bà Trần Thị Mai Anh, người dân ở khu chung cư N02-T1, khu đoàn ngoại giao, Hà Nội cho biết, chủ đầu tư cam kết 3 năm là có sổ đỏ nhưng giờ hơn 3 năm vẫn chưa có nên con cháu muốn đi học phải nộp rất nhiều tiền vì trái tuyến.

Hiện nay, tình trạng quá tải của những con phố trước đây, như đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa được coi là “đẹp nhất Việt Nam”; phố Phạm Hùng, Láng Hạ, Tố Hữu, Trung Hòa, Nhân Chính… nay đã trở nên chật chội và luôn ùn tắc vào giờ cao điểm. Điều này được lý giải là do các tòa nhà cao tầng mọc lên ở phía tây thành phố, khiến áp lực giao thông căng thẳng. Thậm chí, có tuyến đường rất ngắn như đường Nguyễn Tuân có đến vài chục nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Mỗi căn hộ ở đây có giá không dưới 40 triệu đồng/mét vuông.

Mới đây, sau khi UBND TP Hà Nội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, cho phép Vinaconex xây tòa nhà 18 tầng nằm trong Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, các hộ dân đã đồng loạt phản đối vì lo sợ việc này sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị và không phục vụ lợi ích toàn dân.

Vấn đề điều chỉnh quy hoạch không vì lợi ích của người dân đang là vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận. Cùng với sự quản lý yếu kém trong lĩnh vực quản lý xây dựng, hàng loạt công trình không phép, trái phép đã và đang mọc lên.

Tuy nhiên, Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc giám sát quá trình xây dựng là việc của chính quyền địa phương. Ngay cả những tòa nhà cao tầng “bỗng dưng” mọc lên trên khu đô thị Linh Đàm, Bộ Xây dựng cũng chỉ có trách nhiệm thanh tra và kết luận.

“Vấn đề phân cấp quản lý Nhà nước do Bộ Xây dựng ban hành và có ý kiến về vấn đề quy hoạch phân khu, việc triển khai quy hoạch chi tiết là việc của địa phương. Bộ Xây dựng cũng đồng thời có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, rà soát và yêu cầu thực hiện đúng”, ông Hùng cho biết.

Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Ngoài ra, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng diễn biến phức tạp.

Một số khu vực được quy hoạch là đất cây xanh, nhưng thực tế lại mọc lên các khu dân cư. Nhiều dự án đô thị chậm tiến độ; một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ đủ điều kiện mới thực hiện hoặc chờ chuyển nhượng dự án./.

Thành Trung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/quy-hoach-cao-tang-sat-cao-tang-khien-cu-dan-buc-xuc-khieu-kien-933913.vov