Quy hoạch chăn nuôi trong bối cảnh đô thị hóa nhanh

Quỹ đất cho chăn nuôi bị thu hẹp, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định và dịch bệnh vẫn phát sinh... là những thách thức lớn mà ngành chăn nuôi Hà Nội đang phải đối mặt, ứng phó.

Quỹ đất cho chăn nuôi bị thu hẹp

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, gây khó khăn cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: hiện mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 vạn con giống gia cầm nhưng trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn.

Một trang trại chăn nuôi gia cầm tại huyện Đông Anh. Ảnh: Ngọc Ánh

Lý do là huyện Đông Anh đang trong lộ trình phát triển thành quận, theo quy định các trang trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư sẽ phải di dời, khiến việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ cao vào sản xuất cũng như mở rộng quy mô chăn nuôi sẽ giảm.

Tương tự, huyện Gia Lâm cũng có tốc độ đô thị hóa nhanh nên quỹ đất dành cho chăn nuôi đang dần bị thu hẹp. Thực tế hiện nay tại Gia Lâm, chăn nuôi vẫn chiếm tỉ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định như: Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức. Đây là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong Đề án của thành phố, ngoài ra có Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội là thành lập quận Gia Lâm nên huyện đang xây dựng lộ trình giảm dần để đến 2030 sẽ chấm dứt không còn chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi nắm được chủ trương định hướng của thành phố, huyện và có hướng đào tạo nghề cho các hộ đang chăn nuôi để chuyển đổi sang các nghề khác phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, ngành nông nghiệp Hà Nội nói chung và chăn nuôi nói riêng đang gặp khó khăn, thách thức lớn trong quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi tương đối lớn, trong khi đó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, khiến thu nhập từ chăn nuôi không ổn định so với các hoạt động kinh tế khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến thành phố chưa thu hút được nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi với quy mô lớn.

Quy hoạch theo vùng trọng điểm, ứng dụng công nghệ cao

Để tháo gỡ khó khăn và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, các chuyên gia về lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, Hà Nội cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là việc quy hoạch chăn nuôi tập trung đối với các huyện nằm trong quy hoạch; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi tại các xã trọng điểm như: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 39 xã chăn nuôi bò thịt, 48 xã chăn nuôi lợn, 60 xã chăn nuôi gia cầm.

Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Quý I/2024, tổng đàn lợn của Hà Nội là 1,45 triệu con, tăng 1,7%; đàn trâu 29.300 con, tăng 2,1%; đàn bò 127.000 con, giảm 1,6%; đàn gia cầm 40,6 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh đề xuất, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố, giúp các doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đưa vào kênh phân phối hiện đại với giá cả ổn định, bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững so với các ngành nghề khác.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần xác định phát triển chăn nuôi theo hướng chủ lực, ưu tiên sản xuất con giống có năng xuất chất lượng cao, bảo tồn giống có giá trị; giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư. Đồng thời, thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

“Hà Nội cần có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp” - ông Nguyễn Ngọc Sơn khuyến nghị.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, định hướng của thành phố là không tăng số lượng, mà chỉ tăng về chất lượng, phấn đấu đến năm 2030 hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gia súc, gia cầm ở xa trung tâm Thủ đô, ứng dụng công nghệ cao, gắn sơ chế và chế biến sâu; tập trung sản xuất con giống.

Ngoài ra, Hà Nội phải phát triển chăn nuôi hữu cơ gắn với sinh thái theo mô hình: trồng trọt kết hợp chăn nuôi; tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ, nhằm kiểm soát dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-chan-nuoi-trong-boi-canh-do-thi-hoa-nhanh.html