“Quy hoạch chi tiết không nên ra đời quá chậm so với Quy hoạch tổng thể”

Trao đổi với ông Trương Văn Thái - Phó Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng

Bến cảng thì có nhiều nhưng đa phần là manh mún, dàn trải. Phát triển cảng không đồng bộ với luồng tàu và hệ thống đường bộ ra vào cảng. Quy hoạch cảng chưa gắn với cơ cấu hàng hóa qua cảng... Hàng loạt những bất cập trong quy hoạch hệ thống cảng biển đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc khai thác tối đa khả năng khai thác cảng biển của từng khu vực. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo GTVT đã trao đổi với Trương Văn Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cảng Hải Phòng. PV: Cảng biển “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”. Ông nghĩ thế nào về nhận định trên? Ông Trương Văn Thái: Đây là tình trạng chung của cảng biển Việt Nam, thừa cảng (về số lượng) nhưng thiếu những cảng có chất lượng, tức là những cảng nước sâu được trang bị hiện đại có thể đón được tàu lớn vào làm hàng. Cảng biển khu vực Hải Phòng cũng không tránh khỏi tình trạng này. Thống kê cho thấy hiện nay khu vực Hải Phòng có tới 30 doanh nghiệp cảng. Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải, manh mún nên tuy nhiều cảng nhưng lại không thể tiếp nhận được những lô hàng lớn và tàu cỡ lớn. Đáng nói hơn, cũng vì nhiều cảng nên tương ứng với số lượng các cảng, các cơ quan quản lý cảng như hải quan, biên phòng, cảng vụ, hoa tiêu, giao nhận, đại lý, kiểm dịch, vận tải... đều phải chia nhỏ, dàn mỏng lực lượng để phục vụ riêng cho từng cảng. Theo tôi, để tránh tình trạng này, ngay từ khi làm quy hoạch, chúng ta cần phải có quy định cụ thể về quy mô tối thiểu đối với một doanh nghiệp cảng biển để tránh việc đầu tư manh mún, gây lãng phí nguồn lực và không phù hợp với xu thế phát triển chung trong hội nhập. P.V: Thế còn về cơ cấu mặt hàng qua cảng thì sao thưa ông? Ông Trương Văn Thái: Theo tôi, quy hoạch cảng biển cần đề cập đến giới hạn phát triển năng lực cảng cho từng mặt hàng chính đối với từng khu vực, căn cứ theo cơ cấu, đặc điểm của nền kinh tế từng khu vực để đảm bảo sự hài hòa tương đối giữa năng lực cảng với nhu cầu của thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện nay, tại một số khu vực cảng trên toàn quốc đang có tình trạng một số mặt hàng chỉ có thể xếp dỡ ở một số cảng nhất định. Nhiều cảng mới xây dựng hầu như chỉ tập trung đầu tư để xếp dỡ một số mặt hàng như container, sắt thép... và không bố trí trang thiết bị để làm các mặt hàng như lương thực, thức ăn gia súc rời, thiết bị công trình... Điều này đã dẫn tới tình trạng vừa qua, cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn buộc phải độc quyền xếp dỡ mặt hàng thức ăn gia súc mà lúc cao điểm không được sự hỗ trợ chia sẻ của các cảng bạn do các cảng này không trang bị thiết bị chuyên dùng. PV: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 đã đi gần hết chặng đường, Quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo cũng đang được các cơ quan chức năng xây dựng. Với tư cách là lãnh đạo của một doanh nghiệp khai thác cảng vào hàng lớn nhất khu vực miền Bắc, ông mong chờ gì ở quy hoạch lần này? Ông Trương Văn Thái: Theo tôi, một trong những điểm đáng tiếc trong lần làm quy hoạch trước là sự chậm ra đời của các quy hoạch chi tiết so với quy hoạch tổng thể. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Qui hoạch tổng thể nhưng mãi tới năm 2004 mới có qui hoạch chi tiết cho khu vực cảng biển Hải Phòng. Như vậy, trong 5 năm, từ năm 1999 cho đến năm 2004, một số bến cảng và luồng tàu đã được thiết kế không có cơ sở qui hoạch chi tiết. Cụ thể, Dự án cải tạo nâng cấp luồng tàu vào cảng Hải Phòng sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản đã được thiết kế ban đầu (vào năm 2002) cho tàu 10.000 DWT (căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt nam đến năm 2010). Tuy nhiên, đến năm 2004, sau khi quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 được ban hành, cho phép được xây cảng Đình Vũ đáp ứng cho tàu 20.000 DWT vào làm hàng, chúng tôi lại phải điều chỉnh thiết kế luồng tàu để tàu 20.000 DWT có thể vào làm hàng được tại khu vực Đình Vũ. Việc điều chỉnh thiết kế luồng tàu đã gây phát sinh chi phí và mất nhiều thời gian làm thủ tục. Ngoài ra, các nhà làm quy hoạch cũng cần lưu ý tính đồng bộ của quy hoạch cảng biển với các quy hoạch khác. Hiện nay, tại nhiều khu vực trong cả nước, trong đó có Hải phòng, đang có tình trạng năng lực thông qua của cảng biển không đồng bộ với năng lực thông qua của luồng tàu vào cảng và năng lực lưu thông của hệ thống vận tải hậu phương, trong đó chủ yếu là hệ thống đường bộ.

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/Chuyen-quan-ly/Quy_hoach_chi_tiet_khong_nen_ra_doi_qua_cham_so_voi_Quy_hoach_tong_the/