Quy hoạch cụm công nghiệp kiểu 'nóng tay bắt lỗ tai', DN ngắc ngoải

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các nhà máy sản xuất tại khu tiểu thủ công nghiệp Bắc Quý, phường Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh nhưng giờ chỉ còn lại đống sắt vụn; các doanh nghiệp lâm vào cảnh 'chết lâm sàng'.

Quy hoạch chồng chéo, dân kêu trời sống cạnh nhà máy ô nhiễm

Màu nước thải đỏ quánh, mùi hóa chất nồng nặc, mùi hôi thối bốc lên từ công ty TNHH Trường An (chuyên sản xuất giấy) là những gì chúng tôi thấy được khi vừa đặt chân đến khối phố Trung Đình, phường Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, hàng trăm hộ dân nơi đây phải sống chung với cảnh này đã hơn chục năm nay.

Theo người dân địa phương, nhà máy giấy Trường An đã tồn tại và sản xuất ở đây khoảng hơn 10 năm. Nhà máy này vận hành cả ngày lẫn đêm nên tiếng ồn, mùi hóa chất luôn nồng nặc, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân nơi đây.

Nước thải của nhà máy giấy chảy ra ngoài môi trường gây ô nhiễm.

Nước thải của nhà máy giấy chảy ra ngoài môi trường gây ô nhiễm.

Ông Trần Hậu Bản, trú tại khối Trung Đình bức xúc phản ánh: “Hàng ngày, chúng tôi đều phải hứng chịu tiếng ồn, khói, bụi, mùi hóa chất hôi thối... Đây là một sai lầm của chính quyền về vấn đề quy hoạch, mặc dù đã có nhà máy nhưng vẫn sắp xếp cho dân ở xung quanh, không có khu công nghiệp riêng biệt vì thế chúng tôi phải “sống chung với lũ” bao lâu nay. Đã rất nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên các cấp chính quyền phường, thành phố và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đề nghị di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư nhưng đến giờ vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể”.

“Mỗi ngày, nhà máy xả thải ra 1 đến 2 lần, mùi nước thải bốc ra như mùi amoniac, hôi thối khủng khiếp”, anh Nguyễn Đức, người dân sống cạnh nhà máy giấy Trường An nói.

Thời điểm chúng tôi có mặt, tiếng động phát ra từ nhà máy gây ồn ào cả khu vực dân cư, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngăn cách giữa khu vực sản xuất của nhà máy với khu vực sinh sống của dân cư chỉ là 1 bức tường thấp, lửng nên khói, bụi, mùi hóa chất cứ thể “vô tư” phát tán. Nước thải được xả trực tiếp từ nhà máy ra ngoài môi trường bằng 1 hệ thống mương hở; hệ thống ống khói đã xuống cấp, vỡ nhiều đoạn nhưng vẫn không được khắc phục, sửa chữa.

Hệ thống ống xả hư hỏng nặng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc công ty TNHH Trường An cho hay, nhà máy của ông được xây dựng vào những năm 1996 - 1997, có thời hạn thuê đất với UBND tỉnh Hà Tĩnh là 50 năm. Thời điểm ông Quế xây dựng nhà máy sản xuất giấy, vùng đất này chưa có người dân sinh sống. Chỉ đến sau này, khi có quy hoạch khu dân cư, người dân đến ở thì nhà máy của ông mới có vị trí sát cạnh nhà của các hộ dân như thế.

“Nhà máy đến trước, dân về ở sau nên đến bây giờ ngay cả chúng tôi cũng lâm vào cảnh khốn đốn khi khu vực sản xuất gần cạnh khu dân cư như thế này”, ông Quế nói.

Xác nhận nội dung người dân phản ánh, ông Điện Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết, công ty Trường An đã bị xử phạt hành chính nhiều lần về những lỗi vi phạm môi trường, lực lượng ban ngành cũng đã nhiều lần yêu cầu công ty phải khắc phục hệ thống nước thải, thau rửa, bể lắng lọc… “Theo yêu cầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ nay đến năm 2020, không chỉ công ty Trường An mà các công ty khác đang có vị trí đặt cạnh khu dân cư cũng đều phải chuyển ra khỏi khu vực hết. Bản thân công ty TNHH Trường An cũng đã có đề nghị xin UBND tỉnh quy hoạch vùng khác để chuyển đi nhưng hiện tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có kế hoạch cụ thể”, ông Điện Văn Minh nói.

Quy hoạch dang dở, doanh nghiệp "chết lâm sàng"

Theo tìm hiểu, ngoài nhà máy giấy của công ty Trường An thì công ty CPTM Lý Thanh Sắc (sản xuất gỗ), công ty CP Lê Quang (sản xuất gạch), công ty CP DN trẻ Hà Tĩnh (sản xuất sơn) và 1 nhà máy giấy khác của công ty Trường An cũng đang phải gánh chịu hậu quả khi đầu tư vào cụm công nghiệp (CCN) Bắc Quý. Họ đều chung số phận từ việc quy hoạch chồng chéo, xây dựng hạ tầng "không đến đầu, đến đuôi” của CCN này.

Theo các chủ doanh nghiệp, CCN Bắc Quý không có đường điện riêng mà đấu chung với đường điện của dân; đường giao thông không đảm bảo cho xe có tải trọng lớn vào khu công nghiệp; hệ thống phòng cháy chữa cháy đã có nhưng không hoạt động; không có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát thải kém; khu công nghiệp gần với khu dân cư nên hệ thống chất thải như khói, bụi của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến người dân; giá tiền thuê đất quá cao và không thống nhất; không thể mở rộng sản xuất vì vướng quy hoạch của UBND TP.Hà Tĩnh… Tất cả các bất cập trên tại CCN Bắc Quý khiến doanh nghiệp lần lượt rơi vào thế phải đóng cửa nhà máy.

Nhiều bất cập tại CCN khiến doanh nghiệp phải đóng cửa nhà xưởng.

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào nhà máy nhưng các doanh nghiệp đều phải đóng cửa.

“Nhà máy của tôi đóng cửa vì tại CCN Bắc Quý không có hệ thống xử lý nước thải, chung đường dân sinh nên dân không cho xe tải trọng lớn vào lấy hàng… Những bất cập này đã đẩy doanh nghiệp chúng tôi vào thế đóng cửa. Sau gần 8 năm đóng cửa nhà máy, toàn bộ hệ thống máy móc, nhà xưởng cũng đã xuống cấp, hư hỏng, chỉ trơ lại đống sắt vụn”, ông Quế lắc đầu ngao ngán nói.

“Chúng tôi đã phải đóng cửa nhà máy hơn 1 năm nay vì không thể tiếp tục sản xuất. Giờ chúng tôi chỉ muốn được di dời càng sớm, càng tốt để ổn định sản xuất chứ bây giờ ở đây không thể đầu tư được, xe cũng không vào được. Cả tỉnh được 1 khu công nghiệp mà quăng (vứt) trời ơi đất hỡi như thế này”, ông Đặng Ngọc Lý, Giám đốc Công ty CPTM Lý Thanh Sắc ngán ngẩm nói.

Theo tìm hiểu, CCN Bắc Quý được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2005 theo Quyết định 269/QĐ-UB ngày 13/4/2005 của UBND TX.Hà Tĩnh. Thời điểm này, CCN Bắc Quý được kỳ vọng là động lực thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp của thị xã, là bước “chuyển mình” để lên thành phố. Được sự khuyến khích, thu hút đầu tư nhiệt thành của chính quyền, các doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy với hệ thống máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, chỉ ít năm đi vào hoạt động, các nhà máy lần lượt phải đóng cửa vì cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Trước thực trạng này, vào năm 2015, khi rơi vào thế “sống dở, chết dở, đại diện các doanh nghiệp trên cũng đã viết đơn kiến nghị “cầu cứu” Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Đơn kiến nghị các chủ doanh nghiệp gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Bàn về nguyên nhân dẫn đến hệ quả các doanh nghiệp chết “ngắc ngoải” tại CCN Bắc Quý, trao đổi với PV, ông Lê Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Tĩnh nhận định là do lịch sử để lại.

“CCN này ra đời đã lâu, khi đó dân cư còn thưa thớt, có nhiều cái mang tính chất lịch sử, thời kỳ đang là TX.Hà Tĩnh, chưa lên thành phố. Trước sức ép phải thành lập CCN, tỉnh “nóng tay bắt lỗ tai”, chẳng có gì đúng mà cũng chẳng có gì sai. Bây giờ, những cái gì lạc hậu, bất cập thì thế hệ này phải điều chỉnh lại”, ông Đức nói.

Nói về hướng giải quyết đối với CCN Bắc Quý, ông Đức cho hay: Đối với CCN Bắc Quý, thẩm quyền cho thuê đất là của tỉnh, thành phố chỉ quản lý về mặt hành chính. Sắp tới sẽ quy hoạch lại, mở rộng cụm tiểu thủ công nghiệp Thạch Đồng để chuyển các doanh nghiệp ở cụm Bắc Quý về đây, còn mặt bằng ở cụm Bắc Quý sẽ được chuyển đổi sang đất ở.

(Còn nữa...)

Ngân Hà

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/quy-hoach-cum-cn-kieu-nong-tay-bat-lo-tai-dn-ngac-ngoai-a361747.html