Quy hoạch điện VIII: Điện phải đi trước một bước, trong mọi hoàn cảnh không để thiếu điện

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Hội thảo lần 1 Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/7.

Tổng sơ đồ điện VIII thực hiện bài bản

Thời gian qua, nhiều dự án nguồn điện cũng như lưới điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ khiến nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2025 càng trở nên căng thẳng. Theo đó, mục tiêu đảm bảo cung cấp điện trong ngắn hạn đang đặt ra nhiều thách thức.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trước đó, Quy hoạch điện VII đã được lập với ít nhất 3 quan điểm khá cứng, từ quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án, thậm chí cứng cả nhà đầu tư phát triển các dự án... Do vậy, đến nay mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Tổng sơ đồ VII được thực hiện, khoảng 72% khối lượng lưới điện 500kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220kV được triển khai, thực hiện.

Đáng lưu ý, Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh khá nhiều lần, trong đó, có việc dừng lại các dự án điện hạt nhân, một số trung tâm nhiệt điện than lớn ở khu vực Tây Nam bộ không triển khai được và nhiều dự án điện đầu tư theo hình thực BOT chậm tiến độ... Việc không hoàn hành được các dự án nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong giai đoạn tới, đặc biệt là việc phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2025.

Trong Quy hoạch điện VIII lần này, nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng/miền và trên toàn quốc. Nhiệt điện than được khai thác một cách hợp lý, tỷ trọng giảm dần; nguồn thủy điện được huy động tối đa; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.

Chỉ ra những khác biệt trong Quy hoạch điện VIII so với Quy hoạch Điện VII - riêng đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin, nguồn năng lượng tái tạo sẽ không quá chú trọng về cơ chế giá điện cố định. Cụ thể, các nhà đầu tư không chỉ cần khuyến khích về giá mà cần có những cơ chế rõ ràng hơn, minh bạch hơn trong việc lựa chọn các nhà đầu tư.

Nhìn nhận vấn đề, ông Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII cho biết, tăng trưởng điện ở mức 2 con số kéo dài trong suốt nhiều năm qua. Theo kế hoạch, tăng trưởng điện sẽ đạt trung bình khoảng 8% trong giai đoạn 2020-2030 và khoảng 4% trong giai đoạn 2030-2045.

Ông Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII

Tuy nhiên, ông Trần Kỳ Phúc chỉ ra, có ít nhất 3 điểm đáng lưu ý, có thể coi là những khó khăn trong việc lập Quy hoạch Điện VIII.

Một là, quy hoạch điện lần này được lập theo quy định của Luật Quy hoạch mới, có hiệu lực từ năm 2019, thuộc nhóm quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia và một số quy định có khác so với trước. Danh mục chỉ gồm những dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện lực và thứ tự ưu tiên thực hiện nên nhà quy hoạch cần chủ động xây dựng tiêu chí, luận chứng, quy mô và thứ tự ưu tiên các dự án này.

Hai là, Quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu có được lập thì cũng chưa được phê duyệt. Riêng quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng được triển khai song song với Quy hoạch điện VIII.

Ba là có nhiều yếu tố kinh tế - kỹ thuật khó xác định, đơn cử như đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở nhiều nước, rình rập tác động đến Việt Nam và có ảnh hưởng tiêu cực cả phía cung lẫn phía cầu của hệ thống năng lượng nói chung và hệ thống điện nói riêng…

Bên cạnh đó, sự bùng nổ trong việc đăng ký đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian qua cũng gây những khó khăn không nhỏ, đòi hỏi cách tiếp cận phù hợp hơn trong quy hoạch thiết kế, đầu tư và vận hành hệ thống điện, cần có cơ chế chính sách sáng suốt hơn, minh bạch hơn, khách quan, khoa học hơn về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo” - ông Trần Kỳ Phúc lưu ý.

Đảm bảo đủ điện trong mọi tình huống

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc Quy hoạch điện VIII phải được xây dựng trên 3 quan điểm lớn, đó là phải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ; Phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo và hạn chế phát triển nhiện điện than gắn với khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay đến 2025, Việt Nam cũng không thể để thiếu điện để ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm này càng cần phải đưa vào quy hoạch để có được tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đảm bảo từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 ngành điện luôn được phát triển đi trước, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị theo Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần triển khai nhanh việc bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời để góp phần đảm bảo cung ứng điện, đồng thời tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách tạo động lực khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án nguồn và lưới điện. “Bên cạnh đó, sẽ phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà Việt Nam rất có tiềm năng. Đồng thời, hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than vốn được đưa rất nhiều vào Quy hoạch điện VII. Như vậy rõ ràng sẽ phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa các dự án năng lượng tái tạo cũng như các dạng năng lượng truyền thống khác, có ít ảnh hưởng, tác động tới môi trường”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý, Quy hoạch điện VIII thay vì các quy định cứng, đóng khung như trước, việc thiết kế cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo trong Tổng sơ đồ Điện VIII khá linh hoạt, theo hướng phát huy tối đa tiềm năng gắn với khả năng huy động nguồn lực.

Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương xây dựng, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV/2020 để làm cơ sở cho việc xây dựng ngành điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Báo cáo giữa kỳ của Đề án.

Lan Anh - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-hoach-dien-viii-dien-phai-di-truoc-mot-buoc-trong-moi-hoan-canh-khong-de-thieu-dien-140132.html