Quy hoạch Ga C9: Bài học từ sự cố ở Amsterdam - Hà Lan

Để góp thêm ý kiến vào việc xây dựng nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, TS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã có bài viết chia sẻ bài học từ thủ đô Amsterdam (Hà Lan) trong việc quy hoạch nhà ga trong khu vực phố cổ.

Việc bố trí ga C9 nằm sát mép hồ Gươm mặc dù đã được thảo luận rất nhiều nhưng vẫn còn gây nhiều tranh cãi, chưa có sự đồng thuận cao. Tuy Hà Nội cho biết có tới 90% ý kiến được hỏi đồng tình với việc bố trí ga sát mép hồ Gươm như đề xuất, nhưng nhiều nhà khoa học lại tỏ ra lo ngại vì có thể gây ảnh hưởng tới các công trình di tích lịch sử-văn hóa quan trọng bậc nhất của thủ đô.

VnMedia xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã có bài viết chia sẻ bài học từ thủ đô Amsterdam (Hà Lan) trong việc quy hoạch nhà ga trong khu vực phố cổ.

Bài học từ thủ đô Amsterdam

Xét ở góc độ điều kiện tiếp cận thì ga C9 có vị trí khá đắc địa khi cùng với các ga của tuyến ĐSĐT số 1 và số 3 có thể tạo điều kiện cho người dân tiếp cận phần lớn các địa điểm trong khu vực phố cổ, khu vực hồ Gươm chỉ với 10-12 phút đi bộ (xem Hình 2).

Hình 2: Khả năng tiếp cận khu vực hồ Gươm bằng ĐSĐT-phương án quy hoạch

Có hoàn cảnh tương tự như khu vực phố cổ của Hà Nội, việc thi công tuyến tàu điện ngầm Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan có thể sẽ là bài học đáng suy ngẫm cho thủ đô Hà Nội.

Thời gian thi công thực tế có sẽ bị kéo dài và đội vốn

Theo dự kiến, thời gian thi công của tuyến số 2 khoảng 56 tháng, trong đó, thời gian thi công ga C9 dự kiến khoảng 36 tháng (3 năm). Đây là thời gian khá lý tưởng, chỉ đạt được khi mọi điều kiện thi công diễn ra thuận lợi. Nhưng, thực tế thời gian thi công có thể bị kéo dài, gấp nhiều lần thời gian dự kiến trên.

Điển hình như việc thi công tuyến tàu điện ngầm Bắc-Nam chạy xuyên qua khu phố cổ ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Tuyến có chiều dài tổng cộng 11 km, với 4 km ngầm ở độ sâu -20m, nhưng đã phải mất tới 15 năm để hoàn thành. Tuyến được khởi công từ năm 2003 nhưng phải đến tận 2017 mới hoàn thành và cuối tháng 7-2018 mới được chính thức đưa vào khai thác.

Nguyên nhân của việc kéo dài thời gian thi công là do tuyến đi xuyên qua khu vực phố cổ, nơi có nhiều công trình di tích lịch sử cần phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt nên công tác thi công đã phải tiến hành công việc một cách cẩn trọng và phải tiến hành đo đạc, quan trắc một cách chặt chẽ trong suốt thời gian thi công.

Bên cạnh đó, khu vực phố cổ và hồ Gươm của Hà Nội có địa bàn tương đối chật hẹp, các hoạt động đô thị luôn diễn ra sôi động nên việc thi công công trình, vận chuyển vật liệu sẽ bị hạn chế, chỉ được vận chuyển vào ban đêm trong những khung giờ nhất định nên thời gian có thể sẽ còn bị kéo dài thêm, không thể nhanh như việc thi công ở những khu vực khác.

Do thời gian bị kéo dài thêm nhiều nên kinh phí của dự án có thể cũng sẽ bị tăng lên. Dự án metro Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan nêu trên có kinh phí xây dựng là 3.2 tỷ euro, khoảng 7.700 tỷ/km (gấp gần 2 lần so với dự án thông thường).

Ảnh hưởng tới việc buôn bán, kinh doanh và du lịch

Mặc dù tuyến được thiết kế đi ngầm khi đi qua khu vực hồ Gươm nhưng việc thi công ga C9 và các cửa Lên-Xuống thì bắt buộc phải thi công đào hở, phạm vi ảnh hưởng khá rộng, chiếm toàn bộ khu vực hồ Gươm góc đền Ngọc Sơn nên sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các của toàn bộ quần thể khu vực hồ Gươm. Những thiệt hại về mặt kinh tế này cần được tính toán đầy đủ trong dự án.

Có ý kiến cho rằng Hà Nội có thể hy sinh 10 năm để cho tương lai 100 năm sau. Tuy nhiên, liệu quận Hoàn Kiếm và các hộ kinh doanh, buôn bán, các đơn vị du lịch trong khu vực có thể chấp nhận những thiệt hại này? Đây là một trong những yếu tố cần cân nhắc.

Nguy cơ ảnh hưởng tới di tích

Mặc dù BQL dự án ĐSĐT Hà Nội (MRB) khẳng định biện pháp thi công khoan hầm bằng thiết bị TBM tân tiến và biện pháp thi công ga ngầm C9 bằng hệ thống tường vây có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, không xảy ra sự cố như lún sụt các công trình di tích, rò gỉ nước hồ Gươm nhưng thực tế thì không ai có thể đảm bảo chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố.

Tuyến tàu điện ngầm Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan đã được thi công bởi đơn vị thi công dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công ngầm, với những quy trình nghiêm ngặt nhất thế giới nhưng vẫn xảy ra sự cố.

Trước khi tiến hành thi công, nhà thầu đã phải dành hẳn 2 năm để đo đạc, quan trắc kĩ lưỡng những chuyển vị của tất cả các công trình quan trọng dọc tuyến metro dự kiến sẽ thi công, nhằm đánh giá một cách toàn diện những tác động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác.

Trong suốt quá trình thi công, nhà thầu phải tiến hành gắn các gương đo phản xạ trên các tòa nhà và sử dụng máy đo đạc tự động liên tục ghi nhận các số liệu trong ngày và trong suốt thời gian thi công. Nếu xảy ra sự chuyển vị sai khác so với các số liệu đã quan trắc chỉ 2 milimét thì sẽ lập tức dừng thi công.

Hình 3: Hệ thống quan trắc tại công trình metro ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan

Mặc dù công tác thi công đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, cùng với công tác nghiên cứu, kiểm soát hết sức chặt chẽ, cẩn trọng như vậy nhưng công trình vẫn để xảy ra sự cố nứt công trình do dò gỉ nước trong quá trình thi công. Có thể khẳng định rằng, những dự án thi công ngầm như dự án thi công tuyến hầm và nhà ga metro là những dự án rất phức tạp về kĩ thuật nên việc xảy ra sự cố ngoài ý muốn là điều khó tránh khỏi và không ai có thể dám bảo đảm chắc chắn tuyệt đối.

Tuy nhiên, điều khác biệt ở công trình nhà ga C9 là nơi tổ hợp nhiều công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử và tâm linh đối với người dân Hà Nội và khó có thể phục hồi/thay thế một khi sự cố xảy ra.

Chính vì lý do đó nên tại buổi tọa đàm “Phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị-Trường hợp quy hoạch xây dựng ga ngầm khu vực Hồ Hoàn Kiếm (ga C9)” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 26/5/2018, PGS. TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - đặt vấn đề: phải chăng Hà Nội đang hy sinh di sản văn hóa để phát triển giao thông? Đây là điều khiến tất cả chúng ta phải suy ngẫm thật kĩ về những hành động và trách nhiệm của mình đối với các thế hệ tương lai.

Hình 4: Sự cố nứt công trình ở dự án metro ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan năm 2008

Có sự tham gia giám sát của người dân

Sau sự cố nói trên, ở thủ đô Amsterdam đã xảy ra những tranh luận gay gắt về sự cần thiết của dự án, sự an toàn trong thi công và về việc đánh đổi di sản cho giao thông. Thậm chí, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên dừng thi công dự án.

Để khắc phục, chính quyền Amsterdam đã đưa ra một quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn, minh bạch và cởi mở hơn có sự tham gia tích cực của người dân. Rõ ràng, nó đã đóng góp tích cực cho sự thành công của dự án. Hà Nội rất cần cơ chế minh bạch và có sự tham gia tích cực hơn của người dân trong suốt quá trình thực hiện dự án. Nếu Hà Nội làm tốt được điều này thì có lẽ đã không có sự chậm trễ và tranh cãi của dự án như ngày hôm nay.

Kết luận

Những bài học từ thủ đô Amsterdam rất đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm, cân nhắc thật kĩ về những hành động và trách nhiệm của mình đối với các thế hệ tương lai khi quyết định xây dựng ga C9.

Nguyễn Ngọc Quang, Trường Đại học Giao thông Vận tải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201808/quy-hoach-ga-c9-bai-hoc-tu-su-co-o-amsterdam-ha-lan-612535/