Quy hoạch không gian biển để quản lý nhận chìm

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Tùng (ảnh), Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế (Tổng cục Biển và hải đảo VN, Bộ TN-MT) trong bài trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

Bộ TN-MT luôn khuyến cáo các địa phương, các chủ đầu tư nên tận dụng tối đa vật, chất nạo vét để sử dụng cho san lấp mặt bằng, chống xói lở bờ biển, lấn biển là tốt nhất

Tổng cục Biển và hải đảo VN đang thực hiện quy hoạch không gian biển đảo quốc gia (QHKGBĐQG), ông có thể chia sẻ rõ hơn về quy hoạch này? Trong đó, sẽ có những vùng biển nào dành cho việc nhận chìm chất thải nạo vét từ các dự án phát triển kinh tế ven biển?

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Ảnh: Lê Quân

Triển khai luật Quy hoạch và thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 8.2.2018, Bộ TN-MT giao Tổng cục Biển và hải đảo VN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan thực hiện nhiệm vụ lập QHKGBĐQG. Đây là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN.

Quy hoạch không gian biển đảo quốc gia sẽ xác định các vùng cấm khai thác, các vùng khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái; định hướng bố trí sử dụng không gian các hoạt động trong vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN. Đối với việc nhận chìm vật, chất ở biển, trên thực tế, trước đây, chúng ta đã thực hiện việc này và các nước trên thế giới cũng vậy, nhất là trong việc nạo vét để bảo đảm hoạt động cho các cảng biển, luồng hàng hải. Tuy nhiên, kể từ khi luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2016, các hoạt động nhận chìm vật, chất ở biển được kiểm soát, quản lý một cách chặt chẽ hơn. Trong quá trình lập QHKGBĐQG, sẽ phân vùng chức năng, trong đó có những vùng có khả năng cho phép thực hiện hoạt động nhận chìm ở biển.

Tiêu chí để quy hoạch cho hoạt động nhận chìm trên biển là gì, thưa ông?

Đối với những vùng có hệ sinh thái đặc biệt quan trọng, đa dạng sinh học cao, cần ưu tiên bảo vệ… thì xác định rõ ràng là vùng không được cho hoạt động nhận chìm. Những vùng biển có thể được nhận chìm nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, hoạt động nhận chìm phải được cấp phép trước khi thực hiện. Trong quá trình xem xét, thẩm định để cấp phép, các cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá, xác định xem việc nhận chìm ở vị trí dự kiến có phù hợp hay không, gây tác động thế nào đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản... Nếu không đảm bảo an toàn sẽ không cho phép nhận chìm.

Theo quy định của pháp luật quy hoạch, không có quy hoạch riêng cho hoạt động nhận chìm. Trước tình hình thực tiễn vừa qua, Tổng cục Biển và hải đảo VN hiện đang nghiên cứu để đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định một số khu vực biển có thể sử dụng để nhận chìm. Đồng thời sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về việc điều tra, đánh giá, lựa chọn vị trí nhận chìm. Tuy nhiên, vị trí khu vực biển sử dụng cho hoạt động nhận chìm trong từng trường hợp cụ thể đối với loại vật, chất nào, diện tích bao nhiêu, thời gian nhận chìm bao lâu, khi nào... thì phải được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi cấp phép, cho phép tiến hành hoạt động nhận chìm.

Hiện, chưa quy hoạch về các bãi nhận chìm trên mặt biển. Có thể trong tương lai sẽ điều tra, đánh giá rất kỹ lưỡng để xác định một số khu vực có thể nhận chìm trên biển. Tuy nhiên, nhận chìm chất gì, khối lượng như thế nào, phạm vi ra sao… sẽ còn quá trình xem xét rất kỹ lưỡng trước khi được tiến hành. Sắp tới, sẽ nghiên cứu để xây dựng các quy định kỹ thuật về xác định vị trí có thể ưu tiên cho hoạt động nhận chìm để khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chìm căn cứ vào đó để điều tra, đánh giá thực trạng vị trí dự kiến nhận chìm trước khi đề xuất lên cơ quan quản lý. Khi đó, sẽ có quy định rõ về tiêu chí vùng biển đủ điều kiện nhận chìm, ví dụ: không gần khu bảo tồn, có hệ sinh thái đa dạng sinh học cao, nuôi trồng thủy sản…

Nhiều nhà khoa học cho rằng nhận chìm là giải pháp cuối cùng nếu các giải pháp khác không khả thi. Tiêu chí này có được đặt ra khi QHKGBĐQG liên quan đến các vị trí nhận chìm trên biển không?

Tôi xin khẳng định đây là một trong những điều kiện để xem xét khi cấp giấy phép cho nhận chìm vật, chất ở biển, đã được quy định cụ thể tại điểm c khoản 1 điều 58 của luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đó là vật, chất được nhận chìm ở biển khi không thể đổ thải, lưu giữ trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đối với phương án nào thì cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng, như đối với việc dùng chất nạo vét để san lấp, lấn biển thì cũng cần lựa chọn vị trí, xem xét thành phần vật, chất nạo vét có đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho san lấp hay không, việc san lấp, lấn biển có gây tác động, ảnh hưởng dẫn đến xói lở hoặc bồi tụ các khu vực lân cận không... trên cơ sở đó cân nhắc, tính toán các phương án xử lý đặt ra.

Bộ TN-MT luôn khuyến cáo các địa phương, các chủ đầu tư nên tận dụng tối đa vật, chất nạo vét để sử dụng cho san lấp mặt bằng, chống xói lở bờ biển, lấn biển là tốt nhất; trường hợp không có phương án xử lý khác mới tính đến phương án nhận chìm ở biển.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, việc cấp giấy phép nhận chìm ở biển cần phải được tiến hành hết sức thận trọng, căn cứ trên cơ sở các quy định chặt chẽ của pháp luật và các đánh giá khoa học, khách quan, toàn diện.

Lê Quân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/quy-hoach-khong-gian-bien-de-quan-ly-nhan-chim-1005113.html