Quy hoạch lại Trung tâm TP Đà Lạt: Lo mất bản sắc

Một số kiến trúc sư (KTS) và người dân e ngại đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt mới được tỉnh Lâm Đồng công bố sẽ 'bê-tông hóa' trung tâm thành phố này. Còn theo cơ quan chức năng địa phương, phải quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại trung tâm TP Đà Lạt để đầu tư xây dựng nơi đây trở thành thành phố du lịch hiện đại.

Bản đồ quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt

Bản đồ quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt

Thay rạp hát bằng nhà kính

Vào ngày 15/3 vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt đã tổ chức công bố quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt. Theo đó, khu vực quy hoạch này có diện tích 30ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt. Quy mô dân số hiện trạng khoảng 5.370 người, 1.064 hộ dân.

Rạp hát Hòa Bình - nơi lưu giữ lịch sử hình thành Đà Lạt

Trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu, trong đó sự chú ý tập trung vào phân khu 2 (diện tích 3,37 ha), nơi sẽ trở thành khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ, giải trí. Theo thiết kế, rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng cụm kiến trúc cao 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Riêng phân khu 3 ở khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng cũ (diện tích 4,43ha) trở thành khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Tại đây có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi để tạo điểm nhấn; mở thêm đường giao thông bao quanh Dinh.

Theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trung tâm TP Đà Lạt hiện nay rất chật chội nên phải quy hoạch lại để phát triển. Trước đây người Pháp chỉ thiết kế đô thị Đà Lạt cho 130.000 dân, nay Đà Lạt xấp xỉ 250.000 dân, chưa tính áp lực khách du lịch ngày càng gia tăng. Theo Quyết định 704 năm 2014 của Thủ tướng, TP Đà Lạt phải mở rộng ra các huyện lân cận để giảm áp lực. “Khu trung tâm Hòa Bình là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; chưa kể việc xây dựng, buôn bán tại khu vực này rất nhếch nhác, lộn xộn... Do đó cần thiết phải quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại, đầu tư cơ sở hạ tầng xứng đáng là bộ mặt của thành phố du lịch hiện đại” - ông Trung cho hay.

Xa lạ với kiến trúc Ðà Lạt?

Khu trung tâm Hòa Bình là nơi lưu dấu nhiều vẻ đẹp kiến trúc, lịch sử Đà Lạt, trong đó có rạp hát Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng cũ. Một số KTS cho rằng việc phá bỏ rạp hát Hòa Bình và di dời Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ làm mất đi “hồn cũ, dấu xưa” của TP Đà Lạt.

Dinh tỉnh trưởng cũ xuống cấp, không được đầu tư sửa chữa

KTS Trần Công Hòa (Hội KTS tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Rạp Hòa Bình từ xưa đến nay là “điểm mốc” đô thị Đà Lạt, có thể xem là biểu tượng gắn bó với đời sống sinh hoạt, tinh thần, chính trị, văn hóa của người Đà Lạt. Từ mọi ngả đường khi nhìn về tháp cao của rạp Hòa Bình dễ dàng định được hướng đi. Đồ án vừa công bố chưa tạo được điểm nhấn, chưa thay thế được rạp Hòa Bình; kiến trúc 2 tổ hợp thương mại dịch vụ thiết kế bằng kính quá xa lạ với Đà Lạt, không phù hợp với hiện trạng của thành phố này. “Dù không xếp hạng di sản nhưng chợ Đà Lạt và dinh tỉnh trưởng tự nó đã là di sản vì mang dấu ấn của cộng đồng đô thị Đà Lạt qua nhiều thời kỳ. Chạm đến khu Hòa Bình là chạm đến ký ức của người Đà Lạt và yêu Đà Lạt ở khắp nơi”, ông Hòa nói. Cũng theo ông Hòa, dự thảo đồ án quy hoạch này được lấy ý kiến góp ý từ cuối năm 2017, ông đã đóng góp bằng văn bản, nhưng không được ghi nhận.

Với Dinh tỉnh trưởng cũ, nhiều người yêu mến Đà Lạt đều cho rằng đó là một công trình có giá trị lịch sử, có giá trị về kiến trúc, văn hóa cần được gìn giữ như trung tâm lưu giữ ký ức của người Đà Lạt. Khu vực quanh dinh là một mảng rừng xanh lâu đời cần bảo tồn cho Đà Lạt. Theo đồ án quy hoạch thì Dinh tỉnh trưởng sẽ di dời nguyên khối đến “góc” nào đó, để thay bằng khối khách sạn cao 10 tầng với kiến trúc mang dáng dấp của Hồi giáo, Ấn Độ rất xa lạ với Đà Lạt.

Ông Hà Văn Oanh (phường 1, TP Đà Lạt) bày tỏ: Kiến trúc lại trên nền tảng những gì làm nên TP Đà Lạt thì mới hay, chứ kiến trúc mà đập phá những di tích hình thành nên Đà Lạt thì kiến trúc đó chỉ phá nát lịch sử của Đà Lạt. TP Đà Lạt không cần trung tâm thương mại cao tầng, không cần chung cư, mà chỉ nên xây dựng kiến trúc thấp tầng có mô hình một thành phố châu Âu như những nhà quy hoạch đã làm trước đây. Nếu theo đồ án mới phê duyệt, mật độ dân số sẽ tăng cơ học và kéo theo tăng tự nhiên. Trong tương lai Đà Lạt phải đối phó với nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường... Người đi trước đã xây dựng, người đi sau cần bảo tồn những gì mà lịch sử để lại cho Đà Lạt.

Nhiều dấu ấn lịch sử tại trung tâm Hòa Bình có nguy cơ xóa sổ
Khu Hòa Bình ở giữa trung tâm TP Đà Lạt, trên ngọn đồi cao 1.494,8m. Theo tài liệu lịch sử, vào năm 1929, tại vị trí rạp chiếu bóng Hòa Bình hiện nay, có một ngôi chợ lợp tôn trên cây nên gọi là Chợ Cây. Năm 1931, Chợ Cây bị hỏa hoạn thiêu rụi, năm 1937 Công ty SIDEC xây lại bằng gạch, chợ có tháp cao làm điểm nhấn và các hành lang thiết kế thành các ki ốt được sử dụng với các chức năng là chợ. Quảng trường trước chợ và đường quanh chợ gọi là Place du Marché (Quảng trường Chợ). Năm 1953, Place du Marché đổi là khu Hòa Bình. Xung quanh chợ là các cửa hiệu của người Việt, Hoa, Pháp và Ấn Độ. Năm 1960 khu Chợ Mới Đà Lạt hoàn thành, làm thay đổi diện mạo khu trung tâm đô thị Đà Lạt. Từ đó, Chợ Cây được sửa thành rạp hát Hòa Bình.
Dinh tỉnh trưởng là nơi sinh sống và làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia. Đây là tòa dinh thự đồ sộ, có kiến trúc đẹp bậc nhất ở Đà Lạt, được người Pháp xây dựng trước năm 1910 từ vị trí trung tâm của khu trung tâm Đà Lạt với góc nhìn mở rộng về tất cả các hướng. Hiện nay dinh thự này đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Phải chọn lọc kiến trúc phù hợp cho Đà Lạt
Ông Đồng Lê Tứ - Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Khu vực trung tâm Hòa Bình và chợ Đà Lạt hiện nay quá nhếch nhác, hệ thống bảng quảng cáo gắn rất tùy tiện, mất mỹ quan... Trước đây, chợ Đà Lạt nằm giữa lòng chảo, với kiến trúc 3 tầng rất đẹp, là điểm nổi bật của trung tâm Đà Lạt, nhưng nay đang bị “bao vây” bởi một loạt khách sạn cao tầng, do đó cần thiết phải quy hoạch, chỉnh trang lại khu vực này để trả lại vị trí trung tâm của chợ Đà Lạt.
“Đà Lạt là thành phố có quy hoạch bài bản từ khi hình thành và có điều kiện sinh thái, địa hình đặc biệt đã tạo nên quỹ kiến trúc rất đặc trưng của phố núi. Do đó khi thực hiện các công trình mới phải hết sức cẩn trọng, phải chọn lọc kiến trúc phù hợp với cảnh quan và công năng sử dụng”, ông Tứ nói.

Thanh Tâm

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/quy-hoach-lai-trung-tam-tp-da-lat-lo-mat-ban-sac-1391448.tpo