Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đến tháng 12-2019, toàn tỉnh có gần 459.000 người cao tuổi, gần 200.000 người khuyết tật, gần 44.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 4.000 người tâm thần cần được giúp đỡ, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH)...

Các mẹ, các dì và con, cháu tại Làng trẻ em SOS.

Tuy nhiên, hiện quy mô của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu cần được chăm sóc của các đối tượng. Mới chỉ có gần 1.100 đối tượng BTXH được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại 7 cơ sở TGXH trên địa bàn tỉnh (4 cơ sở công lập và 3 cơ sở xã hội hóa); các đối tượng khác vẫn phải tiếp tục sống tại cộng đồng và đối mặt với rất nhiều khó khăn cũng như rủi ro trong cuộc sống. Ngoài ra, trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội được thành lập nhằm cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, hỗ trợ thụ hưởng các chính sách trợ giúp, phát triển cộng đồng, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, chăm sóc khẩn cấp cho các đối tượng, hàng năm hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho khoảng 5.000 người.

Nhìn chung, thời gian qua, các cơ sở TGXH trên địa bàn tỉnh đã hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật. Thông qua các hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ đối với các đối tượng là trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền nuôi dưỡng, người khuyết tật, người tâm thần... đã giúp cho một bộ phận các đối tượng BTXH có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin, trợ cấp xã hội... Qua đó đã tạo điều kiện để các đối tượng ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên tái hòa nhập cộng đồng và đời sống xã hội. Ngoài ra, các đối tượng BTXH còn được cấp thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập và hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở TGXH phân bố chưa đồng đều theo khu vực (mới chỉ có 1 cơ sở ở khu vực miền núi), chưa gắn với quy mô dân số và quy mô đối tượng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng; loại hình cơ sở TGXH hiện chưa bao phủ được các nhóm đối tượng cần trợ giúp... Ngoài ra, số đối tượng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp tại các cơ sở TGXH mới chỉ chiếm khoảng 0,13% tổng số người cần được trợ giúp; các dịch vụ của các cơ sở mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ, khắc phục rủi ro đã xảy ra đối với các đối tượng thông qua các biện pháp hỗ trợ mà chưa tập trung vào việc cung cấp dịch vụ phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm...; cơ sở vật chất đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị cần thiết để phục hồi chức năng còn thiếu...

Thực hiện Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển TGXH giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20-10-2015 của Bộ LĐTB&XH về quy hoạch mạng lưới cơ sở TGXH của cả nước giai đoạn 2016-2025, Sở LĐTB&XH xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở TGXH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, với mục tiêu là phát triển mạng lưới các cơ sở TGXH phải phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở TGXH tiếp cận với các tỉnh, thành phố phát triển trong cả nước và khu vực, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa công tác BTXH... Về quy mô của các cơ sở TGXH, phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 11 cơ sở (4 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập), với quy mô phục vụ 2.000 đối tượng tại cơ sở và 4.000 đối tượng/năm tại cộng đồng (chiếm khoảng 2,4% số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng); đến năm 2045 toàn tỉnh có 17 cơ sở (10 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập), với quy mô phục vụ 2.415 đối tượng tại cơ sở và 5.080 đối tượng/năm tại cộng đồng (chiếm khoảng 2,68% số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng). Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Sở LĐTB&XH xây dựng lộ trình thực hiện việc nâng cấp, mở rộng các Trung tâm BTXH; Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí khu vực miền núi; Làng trẻ em SOS... Đồng thời đề ra các giải pháp và nguồn lực thực hiện.

Bài và ảnh: Lê Duy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/quy-hoach-mang-luoi-co-so-tro-giup-xa-hoi-phu-hop-voi-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/116588.htm