Quy hoạch phát triển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

Theo phê duyệt quy hoạch của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển không gian đô thị phù hợp chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển của thành phố và vùng TP Hồ Chí Minh, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), ngập úng, triều cường, xâm nhập mặn, nước biển dâng.

Quy hoạch phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai có tính toán tới khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Phát triển giao thông đường thủy trên tuyến sông Sài Gòn.

Quy hoạch phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai có tính toán tới khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Phát triển giao thông đường thủy trên tuyến sông Sài Gòn.

Đó là một trong những yêu cầu đặt ra trong Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký, ban hành ngày 14/9.

Theo quy hoạch chung, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt trực thuộc trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Dự kiến đến năm 2040, số dân toàn thành phố khoảng từ 13 đến 14 triệu người; quy mô đất đai phát triển đô thị khoảng từ 100 nghìn đến 110 nghìn ha. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông, hạ tầng số quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ, quốc gia và quốc tế; là trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía nam. Thành phố cũng là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh khu vực miền Đông Nam Bộ, cả nước và khu vực Biển Đông.

Trước thách thức phát triển đô thị gắn với thích nghi với BĐKH, trong Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chính phủ yêu cầu thành phố điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn thành phố phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong vùng TP Hồ Chí Minh; đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa TP Hồ Chí Minh với TP Thủ Đức, giữa khu Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại từng khu vực phát triển; phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi. Cùng với đó, Chính phủ định hướng, thành phố phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm hướng tới gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho thành phố, tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị.

Không gian cho khu vực đô thị trung tâm cần khai thác các trục cảnh quan sông rạch của thành phố gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng như giao thông thủy, điều tiết nước, không gian mở công cộng và tạo dựng bản sắc cảnh quan sông nước đặc trưng.

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của thành phố, bảo đảm thích ứng với BĐKH, với mục tiêu phát triển thành phố xanh, bền vững. Đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải và kết nối thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố và vùng thành phố, nhất là về hạ tầng giao thông; giảm đến mức thấp nhất tác động của các vấn đề môi trường đô thị.

Ngoài ra, thành phố phải xác định trữ lượng, nhu cầu và nguồn cung cấp nước, năng lượng; tổng lượng nước thải, rác thải; vị trí, quy mô, công suất các công trình đầu mối và các tuyến truyền tải, phân phối của hệ thống cấp nước, năng lượng, chiếu sáng, thông tin liên lạc, thoát nước; vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và các công trình khác cho các đô thị và các vùng chức năng khác của thành phố.

Đối với định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho khu vực đô thị trung tâm, TP Hồ Chí Minh sẽ đề xuất định hướng cải tạo cao độ nền và thoát nước mặt toàn đô thị. Trong đó, xem xét đến tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và BĐKH. Đề xuất các giải pháp san lấp tạo mặt bằng xây dựng, tăng diện tích mặt thấm và tăng khả năng trữ nước trước khi xả ra nguồn thoát. Phân lưu vực thoát nước, xác định hệ thống thoát nước mưa hợp lý và tách riêng với hệ thống thoát nước thải, bảo đảm kiểm soát ngập úng do mưa, triều cường và bảo đảm tiêu thoát lũ.

Một trong những nội dung định hướng quan trọng của Chính phủ khi TP Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch trong tương lai là công tác đánh giá môi trường chiến lược, nhằm giảm tác động xấu đến môi trường khi mở rộng phát triển đô thị.

Công tác đánh giá môi trường chiến lược với kịch bản ứng phó BĐKH và nước biển dâng tích hợp với diễn biến sụt lún nền đất trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường, khuyến cáo sử dụng đất, cấu trúc đô thị, cơ chế chính sách, nguồn lực, nhằm giảm các thiệt hại trong trường hợp thiên tai hoặc biến đổi môi trường lớn xảy ra.

Bài và ảnh: ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/quy-hoach-phat-trien-gan-voi-thich-ung-bien-doi-khi-hau-666984/