Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn

Cuối tháng 12/2023, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt. Đây có thể xem là 'kim chỉ nam' cho tỉnh nhà trong giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, để Bình Thuận sử dụng trong hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển.

Sự cần thiết lập quy hoạch

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận thời kỳ đến năm 2020 tại Quyết định số 120/2009/QĐ-TTg ngày 6/10/2009 và được điều chỉnh tại Quyết định số 2532/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu và từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tỉnh đã chủ động khai thác hiệu quả và tối đa các tiềm năng, lợi thế trong phát triển; giải quyết tốt vấn đề việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; có nhiều đóng góp cho phát triển vùng Duyên hải Nam Trung bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận thời kỳ đến năm 2020 được thực hiện và đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, quy hoạch đã và đang thực hiện chỉ có khung thời gian hiệu lực đến hết 2020. Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) cần được tổ chức nghiên cứu, xây dựng thay thế cho các bản quy hoạch trước đây để phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới, đó là: Các tư tưởng, chủ trương và chính sách lớn về phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thông qua; các quy hoạch (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng) đang được xây dựng mới theo Luật Quy hoạch (có hiệu lực ngày 1/1/2019), sẽ có tác động trực tiếp đến định hướng phát triển của Bình Thuận trong giai đoạn tới.

Quy hoạch Bình Thuận mở ra không gian phát triển mới. Ảnh: Đ.Hòa

Quy hoạch Bình Thuận mở ra không gian phát triển mới. Ảnh: Đ.Hòa

Những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị, kinh tế với những xu hướng mới, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chi phối và làm thay đổi tương quan giữa các nước cũng như toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị trên thế giới. Các thương mại giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ - Trung Quốc - EU) sẽ có tác động lớn đến chính sách đầu tư, thương mại của các quốc gia. Việt Nam đã tham gia vào một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng như các FTA song phương với các quốc gia và các cam kết của Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN… là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thương mại và đầu tư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước cũng như tỉnh Bình Thuận, nhất là các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và thị trường hàng hóa sản phẩm, dịch vụ của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Theo Luật Quy hoạch, Quy hoạch tỉnh là một bước để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy hoạch tỉnh được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tích hợp các nội dung đề xuất phát triển các ngành, lĩnh vực và các huyện, thị xã, thành phố có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có tính tới yếu tố liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế. Để Bình Thuận tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa kinh tế - chính trị và phát huy vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và cả nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch tỉnh cho thời gian tới làm cơ sở cho quản lý phát triển tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước.

Đại lộ Nguyễn Tất Thành nhìn từ trên cao

Đại lộ Nguyễn Tất Thành nhìn từ trên cao

Mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch

Quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Bình Thuận sử dụng trong hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển. Từ đó tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Quy hoạch tỉnh đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh thực hiện các đột phá phát triển. Đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Quy hoạch tỉnh đưa ra các định hướng và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian (giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng, lãnh thổ…) trong địa bàn tỉnh cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Quy hoạch tỉnh là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Quy hoạch tỉnh tập trung hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Nguyên tắc của quy hoạch là đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch tỉnh với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành/lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia…Đảm bảo lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo tính thị trường trong huy động, phát huy các yếu tố, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như trong xây dựng định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực…

Giai đoạn 2011-2020, GRDP tăng trưởng bình quân của Bình Thuận đạt khoảng 7,87%/năm (giá so sánh 2010), cao gấp 1,2 lần mức bình quân của cả nước; GRDP bình quân/người đạt 2.850 USD, gấp 2,8 lần năm 2010; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt 17.810 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010 (do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh thu ngân sách năm 2020 giảm còn 13.134 tỷ đồng, vẫn tăng gấp 1,78 lần so với năm 2010).

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/quy-hoach-tinh-binh-thuan-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-huong-tiep-can-moi-co-tam-nhin-dai-han-116260.html