Quy hoạch tỉnh Quảng Nam: Khát vọng phát triển, khả thi trong thực tế

Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030Tây Nguyên. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Khát vọng phát triển

Ngày 31/10, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch tỉnh thứ 59 được Hội đồng tổ chức phiên họp để thẩm định.

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương nhận định: Quảng Nam là tỉnh có quy mô về diện tích và dân số lớn trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên, giáp với nước bạn Lào. Có điều kiện tự nhiên thuận lợi; bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc…

Trong hơn 10 năm qua, quy mô kinh tế tỉnh Quảng Nam nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 4 ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; thu hút vốn FDI đứng thứ 3 trong vùng; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ nhóm có mức thu nhập thấp lên đạt mức bình quân của cả nước.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội quý để Quảng Nam rà soát, đánh giá rõ thực trạng phát triển, xác định cụ thể các điểm nghẽn, để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giúp Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới

Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được được xây dựng với định hướng cân bằng giữa khát vọng phát triển với tính khả thi thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện; đặc biệt là có tính lường trước với những biến động về an ninh, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tác động khó. Thời gian qua, Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác lập quy hoạch. Nghiên cứu và tích hợp nhiều quy hoạch của các địa phương lân cận và đang mong chờ các quy hoạch ngành, vùng được phê duyệt để tiếp tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh với kỳ vọng có được bản quy hoạch có tính khả thi cao, đồng bộ với mục tiêu đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực, đặc biệt là khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; hạn chế tối đa việc phải điều chỉnh sau này.

Đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; hình thành cụm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch. Là trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica quốc gia. Có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị gắn kết với nông thôn. Chất lượng môi trường tốt; xã hội phát triển hài hòa, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc.

Khả thi trong thực tế

Dự thảo Quy hoạch tỉnh đưa ra phương án tổ chức không gian phát triển với “2 vùng, 2 cụm động lực, 6 hành lang phát triển”, tạo dựng các trung tâm, các trục hành lang, vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

Quy hoạch tỉnh đưa ra không gian phát triển Quảng Nam với “2 vùng, 2 cụm động lực, 6 hành lang phát triển”

2 vùng phát triển gồm: vùng Đông (các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và ven biển) là vùng động lực của tỉnh, với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, công nghiệp sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo. Hội An là đô thị di sản, du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa. Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây (các huyện miền núi) là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên Hành lang Đông Tây 2. Tập trung đầu tư các trục quốc lộ liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển vùng Tây.

2 cụm động lực của tỉnh gồm: Cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc với định hướng trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Cụm đô thị động lực Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh.

Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là THACO Trường Hải

Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là THACO Trường Hải, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bảo vệ và khai thác hiệu quả, bền vững hồ Phú Ninh thành khu du lịch sinh thái. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

6 hành lang phát triển được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch, trong đó 3 hành lang Bắc - Nam gồm: Hành lang kinh tế ven biển nằm giữa Quốc lộ 1A và không gian ven biển, phát triển dọc tuyến đường Võ Chí Công và đường hành lang ven biển, tập trung các khu vực kinh tế biển, các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và đô thị sông, biển gắn với cửa ngõ quan trọng là cảng biển và sân bay Chu Lai.

Hành lang kinh tế giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, là hành lang kinh tế tổng hợp với công nghiệp theo hướng sinh thái, các đô thị trung tâm cấp huyện, kết nối với các không gian công nghiệp và đô thị Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thúc đẩy mối liên kết vùng và các chuỗi giá trị.

Hành lang đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh, tập trung công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế.

Phát triển hành lang Đông - Tây, gồm: Hành lang Quốc lộ 40B kết nối phát triển du lịch biển với miền núi, vùng căn cứ cách mạng, vùng trung du đặc trưng Xứ Quảng, vùng dược liệu quý. Kết nối hiệu quả không gian du lịch sinh thái - văn hóa thành phố Tam Kỳ với hồ Phú Ninh và Tiên Phước làm động lực phát triển lên Bắc Trà My và Nam Trà My.

Hành lang dọc Quốc lộ 14E và tuyến đường Hồ Chí Minh qua Khâm Đức nối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Hành lang Quốc lộ 14D nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hóa với các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây 2.

Hải Nam

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/quy-hoach-tinh-quang-nam-khat-vong-phat-trien-kha-thi-trong-thuc-te-403468.html