Quy hoạch trên giấy gây khốn khổ ngoài đời

Lâu nay, quy hoạch vẫn là câu chuyện vừa tạo hứng thú vừa tạo bất an cho cộng đồng. Bởi lẽ, có quá nhiều quy hoạch thừa sức hấp dẫn trên giấy, nhưng thiếu tính thực tế ngoài đời.

Người dân cứ ngỡ được thụ hưởng những tiện ích văn minh của quy hoạch, mà lại phải chịu đựng muôn vàn khốn khổ của quy hoạch. Ngay tại đô thị sôi động nhất nước là TPHCM, thì cũng có bao nhiêu quy hoạch “treo” hàng chục năm như khu đô thị Bình Quới hoặc khu phức hợp Đầm Sen. Bởi vướng quy hoạch, nên nhà đất không thể mua bán, không thể sang nhượng và cũng không thể sửa chữa. Nói không ngoa, chính quy hoạch phi lý đã biến nhiều địa bàn sầm uất thành… nơi nhem nhuốc và tù đọng.

Hạ tầng công cộng, nhà ở của người dân trong khu phức hợp Đầm Sen bị xuống cấp

Tại “Hội nghị về định hướng nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM đến năm 2045” vừa diễn ra, nhiều ý kiến bức xúc đã được trình bày, mà chính những người đang lãnh đạo chính quyền cũng phải thừa nhận có quá nhiều bất cập trong quản lý và điều hành. Quy hoạch mơ hồ không chỉ làm chậm tiến độ phát triển, mà còn nảy sinh nhiều hệ lụy về chất lượng sống. Ai cũng thấy, từ những công trình kém thân thiện với môi trường, đã dẫn đến thực trạng ngập nước, kẹt xe, không đủ mật độ cây xanh che phủ và cũng không đủ trường lớp cho học sinh. Rất khó đề cập vấn đề trách nhiệm trong quy hoạch, vì liên quan đến nhiều ban ngành, nên một hậu quả đều do người dân gánh chịu.

Như một động thái tích cực, UBND TPHCM mới đây đã chấp thuận công khai xử lý 180 dự án quy hoạch “treo”, với tổng diện tích hơn 812 ha. Nhìn vào danh sách này, không thể không giật mình khi quận 10 có đến 22 dự án quy hoạch “treo”, huyện Bình Chánh có đến 17 dự án quy hoạch “treo”, quận 9 có đến 15 dự án quy hoạch “treo”… Cứ tính sơ sơ, mỗi dự án quy hoạch “treo” ảnh hưởng đến khoảng ngàn người, thì đã có mấy chục vạn người lao đao và lêu bêu vì những ý tưởng bất khả thi của những nhà quy hoạch. Tháo gỡ quy hoạch “treo” nọ, liệu có xuất hiện theo quy hoạch “treo” khác hay không? Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị: “Không để tình trạng quy hoạch không đúng với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất đó và xã hội không thừa nhận… Làm sao để nhà đầu tư tham gia một cách minh bạch nhất, hiệu quả nhất vào việc thực hiện quy hoạch!”.

Không ai phủ nhận, quy hoạch là cơ sở tạo động lực tăng trưởng bền vững cho một khu vực nói riêng và một vùng đất nói chung. Tuy nhiên, nếu quy hoạch không kiểm soát được yếu tố văn hóa, nhu cầu an sinh và năng lực thi công… thì quy hoạch mãi mãi chỉ nằm trên giấy như chứng tích của những ham muốn mang màu sắc tưởng tượng. Chắc chắn, không nhà đầu tư nào mặn mà với những quy hoạch không hoàn toàn minh bạch về thông tin. Nhất là trong bối cảnh quỹ đất đô thị ngày càng thu hẹp, thì quy hoạch khu dân cư không thể giống như miếng ngon béo bở cho những toan tính lợi ích nhóm, kéo theo những cuộc bát nháo phân lô, bán nền tràn lan.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/quy-hoach-tren-giay-gay-khon-kho-ngoai-doi-post233093.html