Quy hoạch và kiến trúc đô thị đang rối loạn

Trước nhận định 'kiến trúc Việt Nam chưa phát triển đúng tầm một phần là do hoạt động lý luận, phê bình kiến trúc chưa phát triển' của một số kiến trúc sư trong một hội nghị về công tác lý luận và phê bình kiến trúc diễn ra mới đây, KTS Trần Huy Ánh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với chúng tôi. Trong đó, ông cho rằng thực ra tiếng nói phản biện của các kiến trúc sư thời gian qua là đơn độc.

Cần cùng nhau tìm ra một triết thuyết về kiến trúc để đi đến một tương lai bền vững.

PV: KTS Nguyễn Văn Tất vừa có phát biểu cho rằng lý luận và phê bình kiến trúc ở ta vừa thiếu vừa yếu. Còn theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, để tác phẩm kiến trúc có giá trị phải có lý luận làm nền tảng. Như vậy ông có đồng tình kiến trúc Việt Nam “chưa phát triển đúng tầm của dân tộc, một phần do hoạt động lý luận và phê bình kiến trúc chưa phát triển”?

KTS Trần Huy Ánh: Đương nhiên với một nền kiến trúc như hiện nay thì chẳng lẽ lại đổ lỗi cho nhà văn hay nhà thơ hay sao? Những người làm nghề phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng nói kiến trúc thì mênh mông. Đừng hiểu kiến trúc chỉ là nội hàm trong 2 từ “chắc chắn và đẹp đẽ”. Mà toàn bộ quá trình quản trị đô thị để tạo ra hình hài bằng quy hoạch kiến trúc và công trình kiến trúc là sự kết hợp của rất nhiều thứ, thậm chí cả thể chế kinh tế cũng có tác động. Tức là nói lý luận về kiến trúc không phải chỉ là việc tìm ra xu hướng kiến trúc xanh, ví dụ thế. Lý luận về kiến trúc là phải nhận diện được thực tại kiến trúc của ta, dung nạp các trường phái kiến trúc đương đại để hình thành một phương pháp tiếp cận nghiêm túc. Giữa quá nhiều bất cập trong quản lý đô thị hiện nay chúng ta cần cùng nhau tìm ra nền tảng lý luận, một thứ triết thuyết về kiến trúc để đi đến một tương lai bền vững.

Có phải là cái ta vẫn quen gọi là bản sắc kiến trúc không, thưa ông?

- Không ít người vẫn nghĩ khi đánh giá một công trình kiến trúc là cần có bản sắc. Trong khi chúng ta lại biết rằng bản sắc không phải là hình thức, không chỉ là “cái vỏ bên ngoài” của một công trình kiến trúc. Cho nên không thể có chuyện chỉ cần nhái, chép “cái vỏ” của một trào lưu kiến trúc nào đó mà thành “có bản sắc”?

Nói như thế không có nghĩa bản sắc quá trừu tượng, không thể nắm bắt nó, mà tôi hiểu cái gọi là bản sắc trong kiến trúc (hãy khoan nói đến bản sắc cá nhân người sáng tác) hình thành trước hết từ các điều kiện địa lý, khí hậu, từ cách con người ứng xử với các điều kiện cụ thể (là nơi một công trình, hay một quần thể công trình kiến trúc mọc lên). Nói nôm na, trước hết nó quy thuộc vào các điều kiện tự nhiên chứa chấp nó, chứ không phải ý chí chủ quan của con người, nó là kết quả chứ không phải ý muốn chủ quan.

KTS Trần Huy Ánh.

Nếu nhận định về cái gọi là quá nhiều bất cập của đô thị hiện nay, ông có thể nói gì?

- Đô thị Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Từ chỗ cả thế kỷ 20 mới có thêm 12 triệu m2 được xây mới thì hiện nay mỗi năm chúng ta có tương đương (khoảng 11-12 triệu m2) số lượng nhà ở được xây mới. Nhưng đó lại không đồng nghĩa với sự phát triển của kiến trúc. Nó chỉ là sự phát triển rực rỡ của thị trường bất động sản. Nó chứng tỏ một sự tự phát, hầu như không kiểm soát được về hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch kiến trúc. Có thể nói là các cơ quan có trách nhiệm quản trị đô thị đang không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc vận hành các thiết chế để tạo ra hình ảnh đô thị đang rối loạn.

Bối cảnh ấy có thực sự bi quan không?

- Tôi lại không bi quan lắm. Trong cái xấu phải tìm ra cái đẹp. Nếu nhắc đến đô thị chúng ta chỉ thấy thiếu không gian công cộng, tắc đường, nhà cửa lộn xộn thì chúng ta sẽ không thể làm gì được. Nhưng trong đó chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng mà nếu cộng đồng đồng thuận thì sẽ tìm ra giải pháp. Tôi vẫn thấy nhiều nhà lý luận có các ý kiến hay ho, tươi mới trong tư duy về quản trị đô thị. Vấn đề là chúng ta nhận diện thực tại để tìm ra bước đi tiếp theo là gì. Từ các khu phố, các khu đô thị có giải pháp kiến trúc tốt chúng ta tổng hợp thành lý luận để tìm ta thực tiễn thuyết phục.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của giới kiến trúc sư trong việc phản biện các vấn đề của không gian và kiến trúc đô thị? Vừa rồi có những ý kiến cho rằng giới chuyên môn thường né tránh, ngại đụng chạm?

- Tôi nghĩ rằng anh em làm nghề hầu hết đã có vai trò rất tích cực, chủ động, tham gia mạnh mẽ trong nhiều vấn đề của kiến trúc đô thị, ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng cũng phải thành thật là giới kiến trúc sư hầu như đơn độc. Các nhà quản lý đô thị không ưa gì họ cả. Vì thế chúng tôi rất mong là được các nhà quản lý hãy lắng nghe và tranh luận sòng phẳng. Bởi vì tiếng nói phản biện của các kiến trúc sư là vì họ muốn dấn thân một cách có trách nhiệm với xã hội, không vì mục đích cá nhân. Trong sự phát triển, chỉ cần một bước đi sai lầm trong kiến trúc và quy hoạch, cơ hội để sửa chữa cho tương lai là rất ít. Cho nên tôi mong muốn các nhà quản lý thấy được cái tâm và niềm tin trong sáng của chúng tôi cùng thảo luận về các vấn đề còn có nhiều ý kiến băn khoăn của các nhà chuyên môn để đi tới đồng thuận vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Anh(thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/quy-hoach-va-kien-truc-do-thi-dang-roi-loan-tintuc423178