Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: Phải gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh

Ngày 11-10, tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (Vùng BTB&DHTB) lần thứ 2 với chủ đề Quy hoạch Vùng BTB&DHTB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Vùng BTB&DHTB đã giới thiệu về Dự thảo Quy hoạch Vùng được lập dựa trên cơ sở Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng của Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo định hướng đến năm 2050 là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Dự thảo Quy hoạch đề xuất các giải pháp phát triển Vùng như: tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là giao thông và logistics, năng lượng, hạ tầng thông tin và chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo, y tế, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là hình thành 3 Tiểu vùng bao gồm: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); tiểu vùng Trung Trung Bộ (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Hội nghị điều phối Vùng BTB&DHTB, đơn vị tư vấn ghi nhận, tổng hợp để bổ sung và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch; đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương, nhất là các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đóng góp vào Dự thảo trên quan điểm, tầm nhìn cho sự phát triển của cả Vùng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Quy hoạch Vùng BTB&DHTB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ, cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển KT-XH bền vững của đất nước, của Vùng và các địa phương trong vùng. “Vùng BTB&DHTB có tiềm năng to lớn để phát triển KT-XH nhưng đây cũng là vùng trọng yếu về ANQP. Vì vậy, Quy hoạch phát triển KT-XH của Vùng phải gắn liền với ANQP”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý thêm.

Đại diện Chủ đầu tư báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP Đà Nẵng về tiến độ triển khai Dự án Cảng Liên Chiểu.

* Nằm trong chương trình Hội nghị Điều phối Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ với chủ đề Quy hoạch Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, chiều 11-10, Đoàn công tác của Hội đồng Điều phối Vùng do ông Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng đã có chuyến thị sát Dự án Cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Cùng đi với Phó Thủ tướng Chính phủ có ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Thành Hưng – Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng – Chủ đầu tư dự án này cho biết, đến thời điểm hiện tại, công trình Cảng Liên Chiểu cơ bản đảm bảo tiến độ thi công đã đề ra với quyết tâm phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa công trình này vào khai thác vào cuối năm 2025. Bên cạnh đó, Chủ đầu tư dự án này cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và sở, ban, ngành TP để tham mưu lãnh đạo TP phê duyệt chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư và khai thác Cảng Liên Chiểu...

Sau khi nghe Chủ đầu tư báo cáo về tình hình triển khai Dự án Cảng Liên Chiểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, bến cảng này có vị trí địa lý trọng yếu nên khi kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư khai thác phải gắn kết với công tác đảm bảo ANQP và lợi ích quốc gia dân tộc đặt trên hết, sau đó mới là bài toán hiệu quả. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải là nhà đầu tư có năng lực, có phương án, thiết kế tốt nhất. Được biết, Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung chính thức khởi công vào tháng 12-2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, Cảng Liên Chiểu sẽ có khu bến container rộng 114ha, khu bến tổng hợp rộng 58ha và hệ thống các cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000 Teus) lên đến 200.000 DWT (sức chở 18.000 Teus). Ngoài ra, Cảng Liên Chiểu còn có khu bến thủy nội địa rộng 38ha tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5.000 DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển, góp phần giảm tải vận tải hàng hóa cho tuyến đường bộ...

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quy-hoach-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-phai-gan-ket-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-voi-dam-bao-quoc-phong-an-ninh-post284800.html