Quy hoạch vùng Trung du miền núi phía Bắc đề xuất gì về tài nguyên đất hiếm, công nghiệp bán dẫn?

Xây dựng Bắc Giang thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của vùng và một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn của cả nước. Đồng thời, quy hoạch nghiên cứu khả năng khai thác, chế biến sâu đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và xuất khẩu.

Đây là một trong 6 nhận diện, đề xuất có tính mới nêu ra tại Quy hoạch vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Bộ KH&ĐT vừa tổ chức Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng Trung du miền núi phía Bắc giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

“Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng Trung du miền núi phía Bắc và càng quan trọng hơn đó là việc nhận thức đúng về vị thế, đặc trưng, tiềm năng và thách thức của vùng”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.

Theo đó, quy hoạch vùng Trung du miền núi Phía Bắc đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới như làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 04 tiểu vùng, 06 hành lang kinh tế (04 hành lang chính và 02 hành lang phụ), 03 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Quy hoạch đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng.

Đồng thời, quy hoạch xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn; tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường tỷ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện, và tối ưu hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

“Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại khu vực động lực là vành đai công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ; trong đó xây dựng Bắc Giang thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của vùng và một trong trung tâm công nghiệp bán dẫn của cả nước”, Bộ KH&ĐT cho biết.

Đồng thời, quy hoạch nghiên cứu khả năng khai thác, chế biến sâu đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và xuất khẩu….

Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển các khu cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics của vùng và cả nước với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời sẽ ưu tiên phát triển, hoàn thiện các tuyến cao tốc xương sống của mỗi tiểu vùng; nâng cấp kết nối Đông – Tây. Ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị…

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển khi đây là vùng sở hữu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta. Đây là vùng địa đầu, cội nguồn, phên dậu, lá phổi của Tổ quốc với tổng diện tích: 9.518.414 ha, tiếp giáp 2 tỉnh của Trung Quốc có quy mô dân số lớn và GDP gấp 2 lần Việt Nam.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/quy-hoach-vung-trung-du-mien-nui-phia-bac-de-xuat-gi-ve-tai-nguyen-dat-hiem-cong-nghiep-ban-dan-1096986.html