Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc giúp chủ động kiến tạo phát triển

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc có ý nghĩa quan trọng, giúp 'mở đường', chủ động kiến tạo phát triển.

Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng

Tại Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ hai diễn ra chiều 1/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng.

Đặc biệt, quy hoạch đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu từ công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo Bộ trưởng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt xác định tầm quan trọng về hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông để tập trung quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và quốc tế.

Đại diện tư vấn quy hoạch vùng là Công ty cổ phần tư vấn quốc tế EnCity đã nêu một số định hướng tổng thể trong công tác lập quy hoạch Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, định hướng tổ chức không gian phát triển gồm 4 tiểu vùng - 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính, 2 hành lang phụ) - 3 vành đai kinh tế và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Cụ thể, tiểu vùng 1 (tiểu vùng phía Tây gồm Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình): Là khu vực tăng trưởng xanh gắn với nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái và năng lượng sạch với Hòa Bình là cực tăng trưởng và Sơn La là trung tâm chế biến nông sản, dịch vụ xã hội.

Tiểu vùng 2 (tiểu vùng Tây Bắc gồm Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang): Là vùng du lịch tầm cỡ, đầu mối giao thương kinh tế, văn hóa với Vân Nam và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với 2 cực tăng trưởng ở Lào Cai và Phu Thọ.

Tiểu vùng 3 (tiểu vùng Đông Bắc gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng): Là nơi có trung tâm công nghiệp, giáo dục và y tế của cả vùng, vừa là nơi gìn giữ lịch sử, cội nguồn với tiềm năng phát triển du lịch về nguồn.

Tiểu vùng 4 (tiểu vùng phía Đông gồm Lạng Sơn, Bắc Giang): Là nơi có tăng trưởng lớn, trung tâm công nghiệp của vùng, vừa có cửa khẩu quốc tế quan trọng bậc nhất với vai trò kết nối giao thương kinh tế, văn hóa với Quảng Tây và các tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ hai diễn ra chiều 1/12.

Về định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng, đơn vị tư vấn cho biết trước năm 2030, ưu tiên đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam, mở thêm lối ra biển. Theo đó, đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn nối Hòa Bình - Thanh Hóa; tuyến Quốc lộ 16 kết nối với Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, ưu tiên nâng cấp, kết nối đường Vành đai 1 (quốc lộ 4) và đường Vành đai 3 (quốc lộ 37) để đẩy nhanh tốc độ kết nối Đông Tây, nâng cấp và đầu tư các sân bay Điện Biên, Lai Châu, Nà Sản, và Sa Pa.

Đơn vị tư vấn quy hoạch cũng đề xuất đầu tư bổ sung tuyến đường tốc độ cao (80 km/giờ) kết nối Hòa Bình đến Ninh Bình với chỉ hơn 40 km, để tăng khả năng kết nối với các tuyến đường Bắc – Nam.

Nhiều ý kiến đề xuất về hạ tầng giao thông

Góp ý về quy hoạch, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, nếu tổ chức triển khai thực hiện khi phê duyệt cần cân nhắc tuyến đường sắt, đường bộ, hệ thống hạ tầng, nhất là điện.

Đồng quan điểm, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, giải quyết các điểm nghẽn thì vấn đề hạ tầng là vấn đề rất lớn; trong đó cần kết nối ngang cho các vùng.

Trong khi đó, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, phương án tổ chức liên kết không gian vùng trong quy hoạch có nói đến cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) nhưng không đặt vấn đề nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế. Thế nhưng, gần đây Thủ tướng đã có quyết định quy hoạch các cửa khẩu xuyên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đã khẳng định đến năm 2030 có 8 cặp cửa khẩu sẽ nâng lên cửa khẩu quốc tế; trong đó có cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm. Vì thế, vị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung cho đúng.

Ngoài ra, ông Thiệu đánh giá, kết nối giao thông dọc thì ổn, nhưng kết nối ngang chưa ổn. Vì thế, Lạng Sơn đề xuất, tuyến kết nối từ Lạng Sơn ở khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sang Thái Nguyên, Tuyên Quang và từ Tuyên Quang lại nối vào Yên Bái và các tỉnh phía trên.

“Các cao tốc ngang này rất quan trọng bởi Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang có thể ra cửa khẩu rất dễ dàng, gần hơn lên Lào Cai; nên đưa vào quy hoạch.

Phát triển tuyến đường sắt, Lạng Sơn có tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng. Vấn đề này bàn nói nhiều, nếu đầu tư chậm tuyến này thì chúng ta sẽ lỡ cơ hội. Vì thế, đề nghị điều chỉnh trong quy hoạch để có thể thực hiện tuyến đường sắt này trước năm 2030”, ông Thiệu đề xuất.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quy-hoach-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-giup-chu-dong-kien-tao-phat-trien-2221762.html