Quý I, EU là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch XK tôm Việt Nam trong tháng 3/2018 đạt 302,4 triệu USD, tăng 25,8% so với tháng 3/2017, đưa tổng XK tôm trong quý I/2018 đạt 742,9 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2017. EU giữ vững vị trí là thị trường lớn nhất của sản phẩm tôm Việt Nam.

EU nhập khẩu một lượng tôm lớn từ Việt Nam

EU vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18,2% tổng XK tôm Việt Nam đi các thị trường. EU được coi là thị trường “năng động” nhất của tôm Việt Nam trong năm 2017. Bước sang năm 2018, XK sang thị trường này vẫn duy trì được đà đi lên. Đây là thành tích đáng ghi nhận bởi hải sản Việt Nam XK sang EU đang bị cảnh cáo thẻ vàng IUU, phần nào ảnh hưởng đến các mặt hàng thủy sản khác sang EU, trong đó có tôm.

XK tôm Việt Nam sang thị trường EU hiện khá thuận lợi do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại EU) gặp khó khăn trên thị trường EU do bị kiểm tra dư lượng kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng GSP (Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập) từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có và hiện có mức giá hợp lý hơn so với các đối thủ cạnh tranh. XK tôm sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm nay đạt 134,9 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với mức tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm, theo phân tích của Bộ Công Thương, thời gian tới, XK tôm sang EU được vẫn sẽ gặp nhiều thuận lợi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. Theo cam kết, sau khi hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.

Tuy vậy, để đẩy mạnh được XK tôm sang EU trong thời gian tới, theo các chuyên gia, DN vẫn cần đặc biệt quan tâm tới các yếu tố chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu... Hiện Việt Nam đang nhập khẩu khá nhiều tôm nguyên liệu từ Ấn Độ để chế biến, XK sang các thị trường khác. Trong khi đó, tôm Ấn Độ XK sang EU lại đang bị kiểm soát chặt về dư lượng kháng sinh. Do đó, các DN chế biến XK tôm Việt Nam cần lưu ý hơn về nguồn nguyên liệu khi XK sang EU.

Ngoài EU, XK tôm Việt Nam nói chung trong quý II/2018 dự báo tiếp tục tăng nhờ nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến được đảm bảo, nhu cầu thị trường thế giới vẫn ổn định hỗ trợ cho hoạt động XK tôm của các DN XK Việt Nam.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-i-eu-la-thi-truong-lon-nhat-cua-tom-viet-nam-103444.html