Quỹ lớn nhất thị trường chứng khoán bán ròng vì cạn tiền mặt

Báo cáo mới đây cho thấy quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán do Dragon Capital quản lý đã bán ròng trở lại sau khi 'cạn tiền' để giải ngân cơ cấu.

Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) đã tích cực giải ngân trở lại trong nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán. Đây là hoạt động cơ cấu lại danh mục của quỹ sau giai đoạn bán ròng liên tiếp trước đó.

Ước tính trong khoảng thời gian từ ngày 3/11 đến ngày 8/12, quỹ VEIL giải ngân gần 163 triệu USD (3.844 tỷ đồng) mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tỷ trọng tiền mặt hạ từ mức cao kỷ lục nhiều năm với 13,81% tại ngày 10/11 xuống còn 1,01%.

Ngưỡng tiền mặt chiếm 1% danh mục được là vùng thấp nhất của quỹ và Dragon Capital duy trì mức thấp nhất quanh điểm này. Việc quỹ VEIL đưa tỷ lệ tiền mặt về đến tỷ lệ 1% là tín hiệu cho thấy dấu hiệu “cạn tiền”để giải ngân.

Báo cáo công bố gần đây nhất cho thấy quỹ VEIL quay lại bán ròng nhẹ với quy mô hơn 9 triệu USD (213 tỷ đồng) trong tuần (8 – 15/12). Tại ngày 15/12, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của quỹ là 1,52%, tương ứng số tiền gần 26 triệu USD.

Kết quả kinh doanh kém do thị trường biến động mạnh

Hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ VEIL đặt trong bối cảnh kết quả đầu tư của “cá mập” này không mấy khởi sắc trong năm 2022 do thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh. Đến ngày 15/12, tỷ suất lợi nhuận của quỹ là âm 32,35%, cao hơn mức giảm 30,75% của chỉ số tham chiếu VN-Index.

Về danh mục đầu tư, hai cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng cao nhất, với tỷ lệ tương đối cân bằng là VPB (12,51%) và ACB (12,17%), theo sau đó là MWG (9,23%), VCB (5,52%) và HPG (5,52%).

Dù thị trường diễn biến không mấy thuận lợi tác động đến kết quả đầu tư của quỹ VEIL, báo cáo gần đây vào giữa tháng 12 của Dragon Capital cho thấy góc nhìn tương đối tích cực.

Theo nhóm phân tích của Dragon Capital, hiện tại có khả năng đỉnh điểm của sự bi quan đã qua khi chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, áp lực bán giải chấp giảm mạnh, và Trung Quốc sắp mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, tâm lý thị trường chứng khoán vẫn thận trọng khi thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy tăng trưởng bắt đầu chậm lại, phần lớn đến từ hoạt động xuất khẩu. Lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngay cả khi áp lực tăng giá của đồng USD có những dấu hiệu lắng xuống.

"Chúng tôi đã điều chỉnh dự phóng lợi nhuận cho năm 2023, song vẫn thấy cơ hội để lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp vượt qua suy thoái. Chỉ số P/E dự phóng chỉ là 9,4x, thấp hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực. Định giá này sẽ là cơ sở vững chắc để thị trường tăng trở lại khi sự hoảng loạn qua đi và các áp lực suy thoái đã giảm bớt", báo cáo của Dragon Capital nhấn mạnh.

Tùng Lâm

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/quy-lon-nhat-thi-truong-chung-khoan-ban-rong-vi-can-tien-giai-ngan-d35490.html