Quy tắc, tiền tệ và nước Mỹ: nhìn từ cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc

Đại diện của gần 200 quốc gia trên thế giới sẽ tham dự phiên họp thường niên của Liên Hiệp Quốc về sự ấm lên toàn cầu tại Katowice, Ba Lan vào đầu tháng 12 tới.

Phiên họp được Liên Hiệp Quốc tổ chức nhằm mục đích xây dựng quy tắc về thực thi Hiệp định Paris năm 2015 khi mà tất cả các quốc gia dù giàu hay nghèo cũng đã cam kết hạn chế phát thải nhiên liệu hóa thạch. Tuần làm việc đầu tiên bắt đầu với việc các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị cấp cao do Tổng thống Balan Andrzej Dud chủ trì ngày 3/12.

Ảnh minh họa

Sau đó, các nhà đàm phán kỹ thuật sẽ gặp nhau để làm việc thông qua các nội dung sẽ áp dụng sau năm 2020. Các Bộ trưởng Năng lượng và Tài chính dự kiến sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 10/12 để thúc đẩy sự tiến bộ trong tiến hành quyết định. Vào ngày 14/12, nếu các cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ, Quy tắc Katowice sẽ được thông qua.

Mục tiêu lớn nhất của các cuộc đàm phán về khí hậu năm nay là biến các cam kết Paris thành một loạt các quy tắc nhằm điều chỉnh việc thế giới cắt giảm phát thải khí nhà kính như thế nào. Điểm chính của cuộc thảo luận sẽ là làm thế nào để đo lường điều này và làm thế nào để bảo đảm sự minh bạch, có thể so sánh giữa các nước và chứng thực thông qua một số tổ chức giám sát quốc tế. Nếu không có những quy tắc cứng rắn và đáng tin cậy để thực thi, hiệp định Paris không thể có tác động thực sự lớn. Kết quả cuối cùng của phiên họp lần này sẽ cho thấy liệu thế giới có thể thống nhất về một giải pháp hay không.

Các nước đang phát triển đang thúc đẩy viện trợ tài chính từ các quốc gia công nghiệp hóa, cho rằng họ đóng góp ít hơn vào sự ấm lên toàn cầu và ô nhiêm, nên không chịu cùng gánh nặng trách nhiệm. Các quốc gia công nghiệp giàu có hơn hồi năm 2009 đã cam kết chi mỗi năm 100 tỷ USD cho các dự án liên quan đến khí hậu cho các nước nghèo hơn đến năm 2020. Năm 2016, các khoản thanh toán này lên đến 70 tỷ USD, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ thường là những nước có tiếng nói to nhất trong việc ủng hộ thu hẹp khoảng cách cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Cũng sẽ có các cuộc thảo luận về cách đo lường dòng tài chính cho khí hậu và cách quản lý tốt nhất những khoản đóng góp này, cho dù thông qua Quỹ Khí hậu xanh, các ngân hàng phát triển hoặc xử lý song phương.

Phía Mỹ sẽ xem xét kỹ lưỡng các tín hiệu về những gì mà chính quyền hiện tại liên kế hoạch thực hiện đối với Hiệp định Paris. Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ rút khỏi hiệp định, nhưng cũng cho biết sẽ xem xét lại điều này nếu hiệp định có thể được thực hiện thuận lợi hơn cho nền kinh tế Mỹ. Phiên họp của Liên Hiệp Quốc sẽ xác định hiệp định thực sự sẽ như thế nào vì vậy có khả năng Mỹ sẽ đánh giá lại vị trí của nó. Nước này cũng đang lập kế hoạch cho các sự kiện bên lề nhằm thúc đẩy than đá để ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Năm 2017, Mỹ đã công bố một sáng kiến được gọi là Liên minh Than sạch, tìm cách thúc đẩy sự hợp tác và nghiên cứu giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy các công nghệ đốt than hiệu qua cao hơn./.

V.D

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-tac-tien-te-va-nuoc-my-nhin-tu-cuoc-dam-phan-ve-khi-hau-cua-lien-hiep-quoc-112405.html