Quy tắc ứng xử trong BHĐC: Bộ công cụ giữ môi trường luôn minh bạch

Mặc dù Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh doanh đa cấp cao, nhưng thực tế các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của ngành. Điều này đồng nghĩa nếu không cùng nhau quản lý tốt thì ranh giới dẫn đến vi phạm đạo đức kinh doanh là rất mong manh.

Thách thức và cơ hội

Hiện tại theo thống kê của Cục Cạnh Tranh và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng (Cục CT & BVNTD) (Bộ Công Thương), số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 45% so với cuối năm 2015 dù tổng doanh thu toàn ngành chỉ giảm 2,5%. Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng tương đương 2,5% so với năm 2015.

BHĐC vẫn được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận là mô hình kinh doanh cấp tiến, có tiềm năng phát triển tương ứng với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia trong những năm sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc trước khi đến với những cơ hội về thị trường sáng sủa được dự báo trong tương lai, các doanh nghiệp BHĐC tại Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để loại bỏ các yếu tố cản trở sự phát triển của ngành. Các doanh nghiệp cần phải cùng bắt tay với các cơ quan chức năng chặt chẽ hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm soát để cùng tạo ra sức bật chung.

Hiện tại Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối rõ ràng để điều chỉnh, quản lý hoạt động BHĐC với các quy định tương đối nghiêm khắc, chặt chẽ như Luật Cạnh tranh 2004, Nghị định 110/2005/NĐ-CP; Nghị định 124/2015/ND-CP về xử phạt hành chính; Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC. Ngoài ra, Ủy ban Bán hàng trực tiếp thuộc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) cũng đưa bộ Quy tắc ứng xử với các khuôn khổ quy định cho các doanh nghiệp và người tham gia hoạt động BHĐC.

Bộ quy tắc gồm những quy định đối với người tiêu dùng, khách hàng tiềm năng, quy tắc dành cho nhà phân phối với các quy định cụ thể như: yêu cầu nhà phân phối không lôi kéo người tham gia ngoài mục đích bán hàng; về phía công ty, không được yêu cầu các ứng viên tiềm năng mua sản phẩm hoặc dự trữ hàng hóa như là một điều kiện để trở thành nhà phân phối, không được thổi phồng về thu nhập tiềm năng hoặc thông tin sai lệch về sản phẩm; yêu cầu các công ty phải thành lập một quy trình nội bộ giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng, phải có hoạt động đào tạo nội bộ…

Tuy chưa phải là hoàn chỉnh và còn nhiều điểm cần cập nhât, bổ sung nhưng bộ quy tắc đã cho thấy tính cấp bách, sự linh hoạt và động thái quyết liệt từ phía cơ quan chức năng chuyên môn nhằm giúp ngành này phát triển lành mạnh hơn.

Doanh nghiệp “ứng xử” thế nào về bộ Quy tắc ứng xử

Đa số các doanh nghiệp (DN) BHĐC cùng đồng quan điểm và cho biết các quy định đặc biệt của bộ Quy tắc ứng xử vẫn còn những quy định cần làm rõ để kiện toàn, nhưng vẫn đã và đang đóng vai trò là hành lang pháp lý vừa đẩy mạnh sự cạnh tranh lành mạnh trong phạm vi khuôn khổ của kinh doanh tự do, vừa thể hiện nỗ lực và quyết tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sẵn sàng hỗ trợ với cơ quan chức năng. Bộ quy tắc này đã được ngày càng nhiều DN nghiêm túc áp dụng như là một điều kiện cần và đủ để duy trì và phát triển DN cũng như ngành BHĐC trong thời gian tới.

Một số DN còn đưa ra đề xuất ý kiến cần tiến hành thêm nhiều hoạt động đào tạo, phổ biến quy tắc ứng xử trong kinh doanh cho các nhà phân phối. Chính vì vậy, Bộ quy tắc này sẽ là văn bản khuôn mẫu để các DN tuân thủ, thực thi và tự tạo dựng cho mình những chuẩn mực đạo đức riêng phù hợp với từng lĩnh vực của DN.

Được biết, ngoài việc tuân thủ áp dụng bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh, Amway Việt Nam, một trong những công ty bán hàng trực tiếp có tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh và tuân thủ cao nhất, cũng đưa ra thêm những Quy tắc ứng xử dành riêng cho nhà phân phối của mình tại Việt Nam dựa trên điều kiện kinh doanh thực tế, như quy định về việc không được xúi giục nhà phân phối khác dự trữ số lượng lớn những sản phẩm mà hiện tại họ không có khả năng bán nhằm mục đích đạt được sự tưởng thưởng hoặc danh hiệu; quy định những hoạt động mà nhà phân phối được phép và không được phép tại Việt Nam…

Có lẽ đó cũng là lý do trong suốt hành trình hoạt động gần 60 năm trên toàn cầu, để có được vị trí dẫn đầu, ngoài những nỗ lực kinh doanh, một trong những yếu tố giúp Amway thành công đó là luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí đạo đức trong kinh doanh. Đó không chỉ là việc xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng mà còn là đạo đức của doanh nghiệp đối với các vấn đề xã hội ở từng quốc gia.

Trước thực trạng một số DN mới chỉ chú trọng đào tạo về sản phẩm, kỹ năng phát triển hệ thống bán hàng thì việc chú trọng vào kiến thức pháp luật, đào tạo đạo đức cho nhà phân phối là điển hình cho một lối tư duy mới. Đây cũng là cách để chính bản thân các nhà phân phối, công ty và người tiêu dùng được hưởng lợi từ hoạt động này; góp phần tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho ngành BHĐC tại Việt Nam phát triển bền vững và đúng đắn.

Nguồn Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/quy-tac-ung-xu-trong-bh%C4%91c-bo-cong-cu-giu-moi-truong-luon-minh-bach-11111-1702.html