Quy trình chọn lựa Đại giáo chủ phức tạp cỡ nào?

Ở Iran, có rất nhiều cơ cấu quyền lực có liên quan đến việc lựa chọn lãnh tụ tối cao và quy trình chọn lựa là vô cùng phức tạp.

Trong bài viết trên tạp chí BESA của Tiến sĩ Ardavan Khoshnood - Phó Giáo sư Y học Cấp cứu tại Đại học Lund ở Thụy Điển, cho biết, Lãnh tụ Tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Khamenei hiện nay đã 81 tuổi và đang ở trong tình trạng sức khỏe giảm sút, người kế vị ông sẽ do Hội đồng Cố vấn về Lãnh tụ của đất nước quyết định, họ sẽ chọn Lãnh tụ tối cao mới nếu ông Khamenei qua đời và có sáu cá nhân đã nổi lên như những người kế nhiệm có thể.

Tiến sĩ Ardavan Khoshnood còn có văn bằng tốt nghiệp Đại học Malmö và Đại học Lund về Phân tích Tình báo và Khoa học chính trị. Ông là một chuyên gia về lĩnh vực chính sách đối ngoại của Iran, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng như Bộ Tình báo, nên những ý kiến của ông những vấn đề rất đáng để lưu tâm.

Lãnh tụ tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ali Khamenei, nhậm chức vào năm 1989. Hiện ông 81 tuổi và những tin đồn về sức khỏe giảm sút của ông đã tồn tại trong suốt một thập kỷ.

Mới đây, tạp chí Newsweek đã báo cáo rằng sức khỏe của ông Khamenei đã xấu đi - mặc dù báo cáo đó dựa trên các báo cáo vô căn cứ từ một nhà báo có liên hệ với Tổ chức ly khai và khủng bố Iran là Phong trào Ả Rập Giải phóng Ahvaz.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2020, ông Khamenei xuất hiện trong một cuộc họp với các nhà tổ chức của các sự kiện đánh dấu kỷ niệm ngày Qassem Soleimani bị Mỹ ám sát. Sự xuất hiện của nhà lãnh tụ có thể nhằm dập tắt tin đồn rằng ông đang bị bệnh nặng, nhưng rõ ràng là ông xuất hiện trên video với chứng mất tiếng (khàn giọng) và khó thở nhẹ (thở gấp).

Mặc dù các triệu chứng ốm không thể hiện rằng sức khỏe của ông là quá yếu, nhưng nó cũng làm cho câu hỏi về sự kế vị của nhà lãnh tụ tối cao ngày càng trở nên cấp bách hơn, bởi có rất nhiều cơ cấu quyền lực có liên quan đến việc lựa chọn lãnh tụ và quy trình chọn lựa là vô cùng phức tạp.

Các Hội đồng lựa chọn Lãnh tụ

Theo Điều 107 của Hiến pháp nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Hội đồng Cố vấn về Lãnh tụ (thường được viết tắt là Assembly) có trách nhiệm bổ nhiệm Lãnh đạo tối cao (Supreme Leader, SL) tiếp theo. Điều 111 cũng trao cho Hội đồng này quyền miễn nhiệm nhà lãnh đạo đương nhiệm, nếu người đó không còn đủ tư cách để giữ chức vụ đó.

Lãnh tụ Tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Khamenei

Lãnh tụ Tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Khamenei

Hội đồng bao gồm 88 giáo sĩ được nhân dân bầu ra với nhiệm kỳ 8 năm, mặc dù tất cả các ứng cử viên phải được Hội đồng Giám hộ (Guardian Council, GC) phê chuẩn trước. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất được tổ chức là vào năm 2016. Người đứng đầu hiện tại của cả Hội đồng Cố vấn về Lãnh tụ và Hội đồng Giám hộ là Ahmad Jannati.

GC có vai trò quan trọng trong việc giám sát tất cả các cuộc bầu cử ở Iran, trong đó có các cuộc bầu cử Quốc hội. Một phần vai trò của nó là phê duyệt hoặc loại bỏ các ứng cử viên cho các cuộc bầu cử này.

GC bao gồm 12 thành viên, trong đó sáu thành viên là giáo sĩ do Lãnh tụ Tối cao trực tiếp bổ nhiệm. Sáu người còn lại được quốc hội chỉ định từ danh sách các luật gia do Thẩm phán Tối cao đề cử, là người được nhà lãnh tụ tối cao chỉ định.

Hội đồng Cố vấn về Lãnh tụ sẽ họp lại để chọn người kế vị. Trong thời gian tạm thời, các nhiệm vụ của SL sẽ được thực hiện bởi một Hội đồng bao gồm Tổng thống, Thẩm phán Tối cao và một thành viên của GC, người sẽ được bầu bởi Hội đồng Phân định Khẩn cấp của Nhà nước (DC) - cơ quan tư vấn cho Lãnh tụ Tối cao (tất cả các thành viên của DC đều được lựa chọn bởi SL).

Mặc dù Hội đồng Cố vấn về Lãnh tụ là cơ quan quan trọng nhất liên quan đến việc bổ nhiệm một SL mới, nhưng quyền lực và ảnh hưởng của GC và DC cũng rất đáng kể.

Văn phòng quyền lực của lãnh tụ Khamenei

Các cơ quan xung quanh nhà lãnh đạo tối cao Khamenei cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn; đặc biệt là Văn phòng Lãnh tụ Tối cao, nơi biên chế hàng nghìn người và có các tổ chức tình báo, phản gián và bảo vệ riêng. Do đó, không thể bỏ qua sức mạnh của Văn phòng này.

Văn phòng có một bộ máy quan chức phức tạp với hàng trăm ủy ban, tổ chức và cố vấn, mà nhiều nhân vật chủ chốt của nó đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt. Vào năm 2019, Bộ Tài chính đã trừng phạt con trai của Khamenei là Mojtaba, người đóng một vai trò thiết yếu tại Văn phòng. Những người khác bị trừng phạt bao gồm Gholamhossein Mohammadi Golpayegani, người đứng đầu Văn phòng; Vahid Haghanian, phó điều hành Văn phòng; Ali Akbar Velayati, cố vấn của Khamenei về chính sách đối ngoại và Gholam-Ali Haddad Adel, cũng là cố vấn của Khamenei (và là cha vợ của Mojtaba Khamenei).

Hình minh họa về mối quan hệ giữa SL, GC, DC và Assembly

Bối cảnh chính trị vào thời điểm Khamenei qua đời cũng sẽ liên quan đến việc lựa chọn người kế vị.

Hiện tại, cục diện chính trị Iran đang bị chia rẽ giữa Cánh hữu Hồi giáo (IR) và Cánh tả Hồi giáo (IL). Cả IR và IL đều trung thành với Cộng hòa Hồi giáo, tuy nhiên IL thực dụng hơn về các vấn đề trong nước và sẵn sàng thảo luận về các quyền tự do cá nhân bị hạn chế.

Về chính sách đối ngoại, không có sự khác biệt đáng kể giữa hai phe. Điều này đã được thấy trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Ngoại trưởng Iran Muhammad Javad Zarif, người thuộc phe IL. Trong cuộc phỏng vấn, ông gọi người Do Thái là "giết người" và bày tỏ mong muốn rằng Mỹ sẽ biến mất khỏi mặt đất.

Tiến sĩ Saeid Golkar - giảng viên Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Đại học Northwestern, Evanston, Hoa Kỳ - lưu ý rằng, khi thảo luận về việc bổ nhiệm một nhà lãnh đạo tối cao mới, sự liên kết chính trị và thể chế của các thành viên cốt lõi của Hội đồng Cố vấn về Lãnh tụ và mối quan hệ của họ với các khối chính trị là rất quan trọng; mà trong đó, cơ quan có ảnh hưởng và quyền lực nhất của Cộng hòa Hồi giáo - cơ quan có lẽ sẽ có nhiều điều đáng nói nhất về sự kế vị sau cái chết của Khamenei - là Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Cách đây khá lâu vào năm 2015, Tổng thống Iran lúc bấy giờ là Akbar Hashemi Rafsanjani đã nói rằng, Hội đồng các chuyên gia đang "xem xét các ứng cử viên tiềm năng" cho người kế nhiệm lãnh tụ Ali Khamenei.

Những cái tên không được công khai, nhưng một số nhân vật nhất định trong bối cảnh chính trị và cấu trúc của chế độ vẫn tiếp tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Iran như một khả năng. Trong bài viết sau chúng ta sẽ tìm hiểu về 6 ứng viên tiềm năng và những khả năng có thể xảy ra nếu một mai lãnh tụ tối cao Iran qua đời.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/quy-trinh-chon-lua-dai-giao-chu-phuc-tap-co-nao-3426009/