Quy trình quản lý nợ mới, kỳ vọng tạo hiệu quả về thu hồi nợ đọng thuế

Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Quy trình này thường xuyên rà soát các nhóm nợ đảm bảo việc phân loại nợ theo đúng bản chất nhóm nợ; tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định. Ông Nông Phi Quảng - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), đã trao đổi với báo chí xung quanh nội dung của quy trình này, đối với việc quản lý nợ thuế của ngành Hải quan.

PV: Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng trốn nợ thuế, ngoài phối hợp liên ngành và triển khai nhiều giải pháp, việc siết chặt các quy trình nghiệp vụ quản lý của ngành Hải quan là vô cùng cần thiết. Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiệm vụ này ra sao, thưa ông?

Ông Nông Phi Quảng

Ông Nông Phi Quảng

Ông Nông Phi Quảng: Thời gian qua, công tác quản lý nợ thuế và thu hồi nợ đọng thuế luôn được ngành Hải quan đặc biệt quan tâm. Để tăng cường hiệu quả của công tác này thời gian tới, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, với hướng dẫn cụ thể các bước, các thao tác nghiệp vụ để công chức hải quan thực hiện phân loại nợ thuế, đôn đốc thu hồi nợ thuế, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính để thu hồi nợ thuế theo quy định.

Quy trình được đặt ra với phương châm “cầm tay chỉ việc” từ cách thức nộp hồ sơ, xác minh phân loại từng món nợ, từng khoản nợ, đôn đốc và thực hiện các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.

Đồng thời, giao chỉ tiêu thu hồi nợ đọng thuế đến từng đơn vị cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác thu hồi nợ đọng thuế trong thời gian tới; song song với việc chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho toàn ngành.

PV: Với quy trình mới, các khoản nợ sẽ được quản lý như thế nào? Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Ông Nông Phi Quảng: Theo quy trình này, các khoản nợ phát sinh sắp xếp theo tiêu chí được phân vào nhóm nợ có khả năng thu, cơ quan hải quan sẽ tổng hợp theo dõi, đôn đốc thu hồi kịp thời.

Đối với khoản nợ quá hạn như: Quá hạn 90 ngày, quá thời hạn nộp phạt vi phạm hành chính..., cơ quan hải quan tổng hợp để triển khai các biện pháp cưỡng chế phù hợp. Ngoài ra, quy trình đặt ra rất rõ các bước phân loại nợ, lập hồ sơ và đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Cán bộ Cục Hải quan Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu. Ảnh: Phi Vũ

Để thực hiện thống nhất, tới đây, Tổng cục Hải quan sẽ thành lập các đoàn chuyên gia, cử xuống địa phương để hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong việc áp dụng quy trình. Chúng tôi cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác xử lý nợ đọng thuế nhằm phát hiện những sai sót, bất cập trong công tác này, qua đó khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

PV: Với những quy định cụ thể như vậy, Tổng cục Hải quan kỳ vọng quy trình sẽ mang lại hiệu quả như thế nào đối với công tác quản lý nợ thuế và thu hồi nợ của ngành, thưa ông?

Ông Nông Phi Quảng: Quy trình quản lý nợ quy định rõ trách nhiệm của công chức quản lý nợ tại các cấp từ lúc phát sinh nợ cho đến bước cuối cùng là xử lý xong khoản nợ (thu hồi hoặc khoanh, xóa nợ).

Cùng với đó, quy trình quản lý nợ còn giúp các đơn vị hải quan thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp. Đặc biệt, quy trình quản lý nợ cũng hướng tới mục tiêu không phát sinh thêm các thủ tục hành chính đối với người nộp thuế.

Đây sẽ là những điểm cốt lõi để nâng cao hiệu quả công tác này trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-trinh-quan-ly-no-moi-ky-vong-tao-hieu-qua-ve-thu-hoi-no-dong-thue-123657.html