Quy trình vận hành thủy điện gây bất an

Mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo đối với hàng chục thủy điện, tuy nhiên, điều băn khoăn lúc này là qui trình vận hành thủy điện đang cho thấy những bất cập nhất định.

Mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo đối với hàng chục thủy điện, tuy nhiên, điều băn khoăn lúc này là qui trình vận hành thủy điện đang cho thấy những bất cập nhất định. Hàng chục hồ chứa mất an toàn trong khi quy trình vận hành thủy điện còn tồn tại nhiều vấn đề đang khiến người dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam lo lắng khi mùa mưa lũ đến gần.

Sở hữu gần 100 hồ thủy điện và thủy lợi, người dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam rất lo ngại mỗi khi mùa mưa đến.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 (gọi tắt là quy trình 1537) của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi quy trình 1537 ra đời, nhiều hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia- Thu Bồn phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, sau đợt lũ lớn năm 2017, quy trình 1537 đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập từ lý thuyết của quy trình và cả trong thực tiễn vận hành xả lũ của các hồ thủy điện...Theo ông Thanh, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 6 thủy điện thực hiện vận hành theo quy trình 1537 là Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5. Hiện nay, quy trình 1537 chưa quy định bắt buộc chủ thủy điện phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn theo từng lưu vực hồ nên công tác dự báo lũ về hồ chưa kịp thời, số liệu dự báo chưa thống nhất, chưa dự báo được thời gian xuất hiện đỉnh lũ, dẫn đến việc tính toán và tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết lũ cho hạ du còn bị động. Bên cạnh đó, quy trình 1537 quy định giá trị mực nước đón lũ của các hồ thủy điện cố định, dẫn đến 2 trường hợp: Thứ nhất, nếu tổng lượng mưa lũ về lớn thì dung tích đón lũ của hồ không đảm bảo giảm lũ cho hạ du. Thứ hai, nếu tổng lượng lũ về nhỏ thì khả năng sẽ thiếu nước cho mùa cạn năm sau.

Lưu vực sông Vu Gia chịu ảnh hưởng điều tiết lũ của 3 thủy điện Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 4 nên khi xuất hiện lũ thì 3 thủy điện cùng điều tiết đưa nước về mức đón lũ. Điều này khiến mực nước ở hạ du sông Vu Gia lên nhanh, làm cho hạ du ngập càng thêm ngập khi có mưa lớn. Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Nam yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số quy định, đồng thời đề nghị Bộ TN-MT sớm tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy trình 1537, qua đó kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung để quy trình phù hợp với thực tế. Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị bổ sung các thủy điện Sông Bung 2, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4 vào quy trình khi các hồ này đi vào vận hành (hiện đã xây dựng xong). "Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ TN-MT và các bộ liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung quy trình 1537 nhưng chưa nhận được phản hồi. Hiện nay sắp bước vào mùa mưa, tỉnh cũng rất lo ngại. Chúng tôi vừa có cuộc họp với những thủy điện vận hành theo qui trình 1537 theo đó những qui định nào còn bất cập thì bàn bạc thống nhất với nhau cách làm tránh để bị động trong mùa lũ", ông Thanh cho biết.

Quy trình 1537 có nhiều tồn tại khiến hạ du thường bị xâm nhập mặn vào mùa khô, ngập nặng vào mùa mưa lũ.

Ngoài thủy điện, các hồ thủy lợi ở tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng khiến người dân bất an không kém. Theo kết quả kiểm tra, đánh giá mới đây của các ngành chức năng, hiện có đến 30 hồ chứa thủy lợi ở tỉnh Quảng Nam có hiện tượng sụt lún, sạt lở mái thượng, hạ lưu đập, lòng hồ bị bồi lấp, tràn xả lũ bị bong vữa, nứt nẻ, khả năng thoát lũ kém, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, đa số các hồ đập nhỏ được thi công bằng phương pháp thủ công, nhiều hồ, đập chứa nước không còn phù hợp với điều kiện thời tiết cực đoan hiện nay. Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ thủy lợi còn mỏng, không đảm bảo năng lực chuyên môn. Có nhiều hồ chứa nhỏ thiếu kinh phí bảo dưỡng, tu sửa thường xuyên đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng của người dân ở hạ du. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn hạ lưu trong mùa mưa lũ.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_196774_quy-trinh-van-hanh-thuy-dien-gay-bat-an.aspx