Quỹ Việt Nam xanh: Thêm nguồn lực giữ màu xanh cho rừng

Nhằm đồng hành trong bảo vệ, phát triển rừng cũng như phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam, Quỹ Việt Nam xanh đã được thành lập để đạt được mục tiêu kép này.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ kiêm Giám đốc Quỹ Việt Nam xanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Được biết, Quỹ Việt Nam xanh vừa mới được thành lập, ý nghĩa của việc thành lập Quỹ là gì, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tài nguyên rừng được phục hồi và phát triển nhanh, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc hiện ước đạt trên 42%.

Thêm nguồn lực giữ màu xanh cho rừng

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 16,928 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ở vị trí thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á; uy tín của sản phẩm gỗ Việt đã từng bước được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước tăng liên tục tăng qua các giai đoạn, từ 3,01 triệu m3 năm 2006 lên 19,5 triệu m3 năm 2019, ước năm 2020 đạt 20,5 triệu m3. Nguồn gỗ này đã chủ động cung ứng đáp ứng được trên 70% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp cũng đang đứng trước một số thách thức. Theo đó, Việt Nam được dự báo là một trong 5 nước chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu có thể dẫn đến thay đổi sinh cảnh, gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học rừng, làm gia tăng sâu bệnh, cháy rừng, mất rừng và sa mạc hóa.

Bên cạnh đó, bất cập giữa yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp nhanh, toàn diện và bền vững với các nguồn lực của ngành, đặc biệt là vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp còn hạn chế.

Mặt khác, do thiếu nguồn lực đầu tư để nghiên cứu, cải thiện giống cây bản địa, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, dẫn đến năng suất rừng trồng tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Một vấn đề nữa đó là ngành chế biến gỗ chủ yếu hướng tới xuất khẩu trong khi phải đáp ứng yêu cầu mới của các thị trường nhập khẩu về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đây là những thách thức lớn cho quản lý rừng sản xuất bền vững của Việt Nam.

Nhằm đồng hành với các tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng; bảo vệ môi trường trong chế biến lâm sản nói riêng và trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, Quỹ Việt Nam xanh được thành lập nhằm chung tay, góp sức của mình cùng với ngành gỗ và lâm sản.

Nhiệm vụ mà Quỹ Việt Nam xanh đặt ra trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Nhiệm vụ được Quỹ đặt ra đó là tham gia thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Bảo tồn và phát triển rừng với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, chủ rừng trong quản lý rừng. Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật từ việc sử dụng giống chất lượng cao, trồng rừng thâm canh, cơ giới hóa và công nghệ cao trong các khâu sản xuất.

Hạn chế khai thác sử dụng gỗ non từ rừng trồng còn ít tuổi, đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh, tăng cường trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến có giá trị kinh tế cao,...

Được biết, việc hình thành Quỹ Việt Nam xanh còn có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm về việc này?

Việt Nam có gần 4 triệu ha rừng trồng, theo số liệu liệu năm 2020, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước đã cung ứng được khoảng 70% nhu cầu nguyên liệu cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, nguồn nguyên này chủ yếu sử dụng để sản xuất dăm gỗ, ván dán (sản phẩm thô) còn nguyên liệu để chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm tinh chế có có giá trị cao thì chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do diện tích rừng trồng manh mún, với khoảng 2 triệu hộ đang quản lý 80% diện tích rừng trồng, bình quân một hộ chỉ có từ 1 - 2 ha, thậm chí chỉ có vài nghìn m2.

Điều kiện kinh tế của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi đa số khó khăn. Nếu đầu tư để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, kéo dài tuổi khai thác thì phải vay ngân hàng, nhưng người dân không có tài sản thế chấp, do đó việc tiếp cận nguồn vốn này là hầu như không thể thực hiện được.

Theo yêu cầu của thị trường, sản phẩm gỗ xuất khẩu phải được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hợp pháp có chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Theo yêu cầu của thị trường, sản phẩm gỗ xuất khẩu phải được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hợp pháp có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, trong gần 4 triệu ha rừng trồng hiện nay thì mới có khoảng 120 nghìn ha đã được cấp chứng chỉ, hàng năm cung cấp được khoảng 4 triệu m3, con số rất nhỏ so với 30 triệu m3 gỗ rừng trồng, cây phân tán và cao su thanh lý được khai thác trong nước.

Để đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ rừng, năm 2018 Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thành lập Văn phòng chứng chỉ rừng để chủ động cấp chứng chỉ rừng cho các diện tích rừng quản lý bền vững (trước đây phải đi thuê các tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ của nước ngoài với chi phí cao).

Việc tự đánh giá, cấp chứng chỉ, được quốc tế công nhận, một mặt sẽ thuận lợi hơn và chi phí cũng giảm được khoảng 30% cho các chủ rừng; tuy nhiên, đối với hộ gia đình, cá nhân với diện tích manh mún thì vẫn không có khả năng chi trả được vì giá thành bình quân vẫn cao.

Như vậy, việc liên kết, hợp tác trồng rừng giữa các hộ gia đình với các doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn, tập trung sẽ mang lại hiệu quả cao cho công tác phát triển nguyên liệu gỗ là một đòi hỏi bức bách của nhu cầu sản xuất và chế biến gỗ hiện nay.

Để làm được việc này nhất định phải có sự chung sức của các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu gỗ thông qua các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các địa phương. Ðây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành sản xuất gỗ và các sản phẩm gỗ phát triển ổn định, bền vững đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Việc thành lập Quỹ Việt Nam xanh nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án liên kết giữa doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu rừng trồng hoặc những dự án đầu tư nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, cấp chứng chỉ rừng của người dân thông qua các hợp đồng cam kết.

Quỹ Việt Nam xanh chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật. Quỹ Việt Nam xanh có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.

Điều lệ Quỹ được ban hành kèm theo Quyết định số 523/QĐ-BNV ngày 21/7/2023 như sau: Quỹ Việt Nam xanh có tên tiếng Anh là The Green Viet Nam Foundation (GVF); và có trụ sở tại phòng 606, tòa nhà Kim Ánh, lô A2A, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; website: quyvietnamxanh.vn; số điện thoại +842437833016; email: info@vietfores.org; email: quyvietnamxanh@gmail.com; số tài khoản: 8669686868 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hoàn Kiếm.

Sáng lập viên quỹ gồm có 9 thành viên là các Hiệp hội Gỗ, Lâm sản và các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu gỗ, lâm sản và trồng rừng. Quỹ Việt Nam xanh hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ hướng đến việc kết nối giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với người bảo vệ rừng, trồng rừng để bảo vệ, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rừng, đồng thời phát triển sinh kế của người dân làm nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở khu vực đồng bào dân tộc miền núi.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-viet-nam-xanh-them-nguon-luc-giu-mau-xanh-cho-rung-288718.html