Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT: 'Các sinh viên sẽ thực hành trên những thiết bị 4G made in Việt Nam'

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Học viện Công nghệ BCVT có thể tìm hỗ trợ phòng thực hành các thiết bị mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối made in Vietnam từ Viettel, VNPT để khi ra trường các sinh viên sẽ xây dựng nên một mạng viễn thông Việt Nam bằng thiết bị Việt Nam.

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Học viện Công nghệ BCVT có thể tìm hỗ trợ phòng thực hành các thiết bị mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối made in Vietnam từ Viettel, VNPT

Ngày 7/9/2018, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2018. Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông là ngôi trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo chính quy tập trung về lĩnh vực công nghệ ICT, bưu chính, viễn thông. Đây là những ngành công nghiệp đang được kỳ vọng là cánh cửa để tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước trước cách mạng 4.0. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá lên so với mặt bằng thế giới trước đó. Việt Nam hoàn toàn có trong tay cơ hội này bởi cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của việc sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của mình. Việt Nam là một quốc gia phát triển, chúng ta có nhiều bài toán cần tìm lời giải.

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Người Việt Nam nói chung và các em sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nói riêng đang thực sự có cơ hội trực tiếp góp sức đưa đất nước này bứt phá. Do đó, hôm nay tôi muốn nói chuyện với các em với tư cách là người trong tương lai không xa, thậm chí có thể là ngay hôm nay sẽ trực tiếp tham gia dẫn dắt một ngành được lịch sử giao nhiệm vụ góp phần quyết định tương lai của đất nước này. Đất nước chúng ta có thể vươn lên hay tụt lại phía sau điều này phụ thuộc rất lớn ở các em”.

Trong bài phát biểu của mình tại lễ khai giảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các thầy cô hãy trang bị cho các em những kiến thức cần, thiết kỹ năng cần thiết, thái độ cần thiết để đào tạo sinh viên cho nền kinh tế thế kỷ 21, một nền kinh tế số. Không chỉ là chuyên môn mà còn là khả năng vượt qua mọi nghịch cảnh, khả năng luôn tìm thấy cơ hội trong khó khăn, khả năng thích ứng nhanh với mọi thay đổi cuộc sống. Là một trường về công nghệ, các thầy cô hãy dạy cho các em biết cách giải quyết những vấn đề của mình bằng công nghệ.

“Các thầy cô hãy đưa ra bài toán từ những vấn đề của thực tiễn và để các em thỏa sức sáng tạo và thể hiện. Quá trình học tốt nhất là quá trình tham gia giải quyết một vấn đề. Trước đây, học trước rồi làm sau, bây giờ hãy để các em được làm trước, trải nghiệm trước rồi học sau. Đại học cần các em làm nhiều hơn, làm trước khi học. Trước đây, học cách giải quyết vấn đề là chính, bây giờ học cách tìm ra vấn đề là quan trọng nhất, bởi có vấn đề mới cần đến giải quyết vấn đề, có việc rồi thì mới có cái khác. Các thầy cô cũng phải huấn luyện nhiều hơn, giao việc thực hành nhiều hơn, tạo môi trường trao đổi tranh luận nhiều hơn với sinh viên. Huấn luyện tức là để sinh viên tự học tự làm nhiều hơn, nhưng có mục tiêu, có đích đến cần đạt được”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao quà cho các sinh viên thủ khoa của Học viện Công nghệ BCVT

Quyền Bộ trưởng cho rằng, đầu ra của nhà trường chủ yếu là doanh nghiệp, vậy nhà trường phải gắn kết nhiều hơn với doanh nghiệp, phải hiểu doanh nghiệp nhiều hơn. Hãy tìm đến các doanh nghiệp xem họ đánh giá sinh viên tốt nghiệp của mình thế nào. Hãy hỏi họ xem cần tuyển người có kỹ năng kiến thức gì. Bên cạnh đó, sinh viên luôn cần những cảm hứng mới thúc đẩy giấc mơ của họ, đây là nguồn năng lượng vô hạn của sinh viên. Học viện cần mời những người nổi tiếng, các nhà chính trị, lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nghệ thuật về nói chuyện giao lưu với sinh viên và thầy cô.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ rằng, một trường đại học theo hướng nghiên cứu thì nguồn thu từ nghiên cứu cũng phải đạt từ 30 đến 40%. Đó là nghiên cứu cho Chính phủ, cho doanh nghiệp, Việt Nam muốn sánh vai các cường quốc năm châu phải dựa vào công nghệ, vào nghiên cứu công nghệ. Chúng ta có lợi thế là sinh viên, những người tuổi trẻ đầy khát khao lao động và cống hiến. Hãy coi tài sản lớn nhất của nhà trường là sinh viên.

Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông phải có nhiều hơn các phòng lab, các phòng thiết bị thực hành. Hãy tìm hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn, vì chính họ cũng muốn đưa thiết bị vào nhà trường để sinh viên quen với thiết bị của họ. Ví dụ như Viettel, VNPT đã sản xuất được hầu hết các thiết bị mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối, thiết bị made in Vietnam sẽ sử dụng trong các mạng viễn thông Việt Nam. Viettel có thể tặng cho trường một mạng viễn thông 4G hoàn chỉnh bao gồm đủ các thành phần để sinh viên thực hành. Các thầy cô và sinh viên nghiên cứu phát triển các ứng dụng mới, thực hành nghiên cứu trên thiết bị Việt Nam, công nghệ Việt Nam để khi ra trường sẽ xây dựng nên một mạng viễn thông Việt Nam bằng thiết bị Việt Nam. Đó là niềm tự hào Việt Nam.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, một cuộc cách mạng mới đang đến, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là cơ hội cho tất cả những ai đi đầu trong phát triển các ứng dụng công nghệ 4.0. Không như các lần trước đây, công nghệ 4.0 sẽ thay đổi cách thức chúng ta làm việc, kinh doanh, dạy học. Thách thức lớn nhất là sự thay đổi, là sự sớm chấp nhận các mô hình mới về kinh doanh, quản trị và dạy học. Một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Nhà trường không chỉ đưa công nghệ 4.0 vào giáo trình giảng dạy mà quan trọng hơn là thay đổi cách dạy học thời 4.0.

Ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trao quà cho các em sinh viên vượt khó.

Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, năm học 2017-2018, Học viện tiếp tục triển khai Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Học viện đã nghiên cứu và trình lãnh đạo Bộ TT&TT phương án thành lập Hội đồng Học viện. Học viện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo đã được cấp phép với 9 ngành bậc Đại học; 5 chuyên ngành bậc Cao học và 5 chuyên ngành bậc Tiến sĩ; đồng thời tổ chức xây dựng, thẩm định mở 1 ngành đào tạo mới là ngành Thương mại điện tử.

Học viện cũng thực hiện liên kết đào tạo đại học, thạc sĩ với các trường đại học CSI, Arizona (Mỹ), Aizu (Nhật Bản), Jeonju (Hàn Quốc). Trong đó, nổi bật là hợp tác với Công ty Samsung khoản tài trợ mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng để tổ chức các khóa học Advanced Algorithm theo chuẩn Samsung và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên, nâng cấp Lab Samsung...

Chia sẻ với các em tân sinh viên, ông Vũ Văn San nói: “Ở bậc Đại học, tự học chính là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, nắm vững kiến thức và áp dụng linh hoạt trong thực tiễn, vì vậy tôi mong muốn các em phải xác định cho mình một thái độ và động cơ học tập đúng đắn; đó là học cho chính bản thân mình, học để tự lập nghiệp và làm giàu chính đáng cho bản thân trong môi trường hội nhập quốc tế có tính cạnh tranh cao, học để góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng quê hương, đất nước. Các em cần đổi mới phương pháp học tập, có cách tiếp cận phù hợp; chú ý đến rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, bên cạnh đó cần chú ý rèn luyện những kỹ năng khác và đặc biệt các tân sinh viên cần chú ý đến kỹ năng ngoại ngữ, một trong những yếu tố quan trọng giúp các sinh viên nhanh chóng nắm bắt kiến thức khoa học công nghệ mới, sau này tìm được việc làm phù hợp với năng lực của mình khi ra trường”.

PV

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/thoi-su/quyen-bo-truong-bo-tt-tt-cac-sinh-vien-se-thuc-hanh-tren-nhung-thiet-bi-4g-made-in-viet-nam-172206.ict