Quyền dân sự được bảo đảm từ những điều nhỏ nhất

Bộ luật Dân sự quy định cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (các Điều 26, 16 và 25).

Luật Trẻ em quy định trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật (Điều 13).

Luật Hộ tịch khẳng định công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam, công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam có quyền đăng ký hộ tịch, trong đó có quyền được khai sinh (Điều 6).

Luật Hộ tịch cũng quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy) (Điều 59). Theo đó, thông tin hộ tịch của cá nhân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất để phục vụ lưu giữ, cập nhật, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch, phục vụ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam có hệ thống các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch từ Trung ương xuống tới huyện, xã với các thủ tục đăng ký hộ tịch đơn giản, giải quyết nhanh gọn. Tỉ lệ đăng ký khai sinh hiện nay đạt 95% đến 98% đối với đồng bằng, 85% đối với miền núi.

Quyền được bảo vệ đời sống riêng tư của công dân được quy định tại Hiến pháp, theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn (Điều 21). Để bảo vệ quyền riêng tư, pháp luật Việt Nam quy định nhiều cơ chế khác nhau, trách nhiệm pháp lý của người vi phạm để xử lý các trường hợp vi phạm. Chẳng hạn như: Bộ luật Dân sự khẳng định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác được thực hiện trong trường hợp luật quy định (Điều 38).

Bộ luật Hình sự có quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác(Điều 159), đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, bao gồm hành vi liên quan đến thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa được phép (Điều 288).Việc khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Điều 195 BLTTHS.

Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định cụ thể tại BLTTHS năm 2015 bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 223). BLTTHS cũng đã có quy định cụ thể về những trường hợp được phép áp dụng biện pháp điều trị đặc biệt (Điều 224), thẩm quyền áp dụng (Điều 225) và thời hạn áp dụng (Điều 226). Những thông tin, tài liệu thu thập từ việc áp dụng biện pháp điều trị đặc biệt chỉ được công nhận là chứng cứ nếu quá trình thu thập tuân thủ quy định của luật và chỉ sử dụng vào mục đích đấu tranh chống tội phạm, không được ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của công dân.

Luật Tiếp cận thông tin có quy định về xử lý thông tin không chính xác do cơ quan Nhà nước công khai (Điều 22). Ngoài ra, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Bưu chính, Luật An toàn thông tin mạng đã có các quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân và nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền riêng tư trong các hoạt động bưu chính, viễn thông, an toàn thông tin mạng, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; viễn thông; an ninh và trật tự, an toàn xã hội cũng đã có những quy định cụ thể về mức phạt và các biện pháp xử phạt bổ sung đối với các hành vi xâm phạm những quyền nói trên nhưng chưa nghiêm trọng tới mức bị xử lý hình sự.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở cũng đã được khẳng định rõ tại Hiến pháp. Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý (Điều 22). Pháp luật Việt Nam đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp trong các văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự quy định rõ “Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định” (Điều 46).

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Chương II)… Theo đó, việc khám phải do người có thẩm quyền tiến hành, phải có người làm chứng và phải lập biên bản. Riêng biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.

Bộ luật Hình sự có quy định về biện pháp, chế tài xử lý hình sự đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158). Bộ luật Tố tụng hình sự khẳng định không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân (Điều 12).

Điều 192 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định rõ căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử. Theo đó, các hoạt động trên chỉ được tiến hành trong trường hợp: Có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.

Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử; bảo đảm mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp “giấy khai sinh”, “trích lục khai tử”), có đầy đủ nội dung, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quyen-dan-su-duoc-bao-dam-tu-nhung-dieu-nho-nhat-166606.html